Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Pà Thẻn

PV - 14:48, 27/08/2020

Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) hiện có 94 hộ với 500 khẩu là người dân tộc Pà Thẻn. Những năm qua người Pà Thẻn nơi đây luôn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình) gìn giữ nghề dệt truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình) gìn giữ nghề dệt truyền thống.


Đến thôn Thượng Minh, chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn các cô gái Pà Thẻn trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm. Trang phục truyền thống người Pà Thẻn có những nét rất riêng, có giá trị thẩm mỹ cao, được thể hiện bởi sự kết hợp nhiều màu sắc và những nét hoa văn độc đáo với sự trang trí bằng nhiều kiểu dáng khác nhau. Xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trên trang phục kết hợp với những vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng... tạo nên bộ trang phục hài hòa, có sự tương phản giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Những bộ trang phục rực rỡ kết hợp với ánh bạc của đồ trang sức như vòng bạc, cặp ba lá, khăn vấn đầu làm cho khuôn mặt người phụ nữ Pà Thẻn thêm rạng rỡ.

Ngoài ra, dân tộc Pà Thẻn nơi đây còn có Lễ hội nhảy lửa hết sức thiêng liêng, độc đáo và huyền bí. Theo ông Húng Văn Hín, thôn Thượng Minh, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, được bắt đầu từ tháng 10 âm lịch cho tới tháng Giêng năm sau. Người Pà Thẻn quan niệm xung quanh họ có các vị thần che chở, giúp họ vượt qua nguy hiểm để tồn tại và mưu sinh, trong đó vị thần tối cao là thần lửa và lửa mang lại sự may mắn, ấm no cho họ, vì vậy khi lễ hội nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong bản đều có mặt để hò reo, cổ vũ.

Những lễ vật để cúng trong lễ nhảy lửa rất đơn giản, chỉ cần một bát hương, một con gà luộc, mười chén rượu trắng và những cây củi trên rừng để đốt thành những đống than đỏ hồng. Phần lễ cúng kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, từ cúng thổ công, thổ địa xin phép nhảy lửa cho đến khi khoảng 10 thanh niên khỏe mạnh nhảy vào ngọn lửa đang cháy và đống than hồng với đôi chân trần mà không bị bỏng hay sợ hãi gì.

Với giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2013 “Lễ hội nhảy lửa” của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đây cũng là điểm nhấn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với xã Hồng Quang nói riêng và huyện Lâm Bình nói chung.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của huyện Lâm Bình là rất lớn, trong đó việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa và khôi phục các nghề truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn xã là một hướng đi phù hợp. Do vậy, thời gian qua UBND xã đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề, phối hợp mở các lớp tập huấn làm du lịch, như: Nghề dệt thổ cẩm, lớp đan lát và lớp thực hành nghi lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của người dân trong thôn. Bởi đây là cơ hội để người Pà Thẻn khôi phục lại các giá trị văn hóa, các sản phẩm truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Chị Làn Thị Sân, thôn Thượng Minh nói, vừa qua chị tham gia học các lớp về nghề đan lát và dệt thổ cẩm do xã tổ chức. Qua thời gian học tập chị được các thầy, cô hướng dẫn thực hiện thành thạo nghề và cho ra các sản phẩm đẹp, chất lượng, tạo ấn tượng với du khách thập phương. Qua đây cũng tạo ra sản phẩm du lịch riêng có của người Pà Thẻn ở thôn, đưa Thượng Minh trở thành một địa chỉ được nhiều du khách biết đến với nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đậm nét đặc trưng của dân tộc Pà Thẻn.

Ông Ma Đình Quan, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình cho biết, việc quan tâm dạy nghề cho người dân tộc thiểu số gắn với những nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc là rất phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đây vừa là cách để khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa tạo ra sản phẩm du lịch phong phú thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Cũng như các dân tộc khác, người Pà Thẻn có những nét văn hóa rất riêng của dân tộc mình, đặc biệt là lễ hội truyền thống như: Nhảy lửa, cầu mưa, cầu tạnh, cúng cơm mới, cúng thần săn bắn... Trong đó, lễ hội nhảy lửa là một phong tục độc đáo trong đời sống tâm linh của dân tộc Pà Thẻn, bởi theo quan niệm của họ, thần lửa là thần linh thiêng nhất, lửa sẽ giúp mang lại cho người dân tộc Pà Thẻn sự ấm áp, cầu thần linh phù hộ cho dân an vật thịnh, xua đuổi tà ma, đẩy lùi bệnh tật và mang sức mạnh phi thường cho người dân Pà Thẻn...      


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.