Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người dân vùng núi Ba Tơ đốn tre làm giường cho khu cách ly

Minh Ngọc - Huỳnh Đào - 10:44, 30/07/2021

Những ngày qua, khi lượng người làm việc, sinh sống từ các tỉnh phía Nam về lại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khá đông, các cơ sở y tế, các điểm tiếp nhận người về cách ly không đủ giường và các vật dụng cần thiết. Người dân địa phương huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã nảy ra sáng kiến làm giường tre tặng các cơ sở y tế, những khu cách ly, để người cách ly bảo đảm sức khỏe trong thời gian cách ly.

Lực lượng dân quân đóng giường tre gửi vào khu cách ly
Lực lượng dân quân đóng giường tre gửi vào khu cách ly

Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: “Hiện nay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Ba Tơ đã kích hoạt đưa vào sử dụng 3 khu cách ly, với khoảng gần 200 giường, 1 khu dự phòng và tiếp tục khảo sát thêm một số cơ sở khác với dung lượng mỗi co sở có sức chứa khoảng 80 giường trở lên. Để bảo đảm tổ chức được khu cách ly, thì nhu cầu là rất lớn. Với một địa phương còn nhiều khó khăn, xa trung tâm, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là lương thực, nhu yếu phẩm, nơi ăn, ở sinh hoạt… Ngân sách khó khăn nên địa phương huy động dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên làm giường tre đưa đến các trường học, để bà con có giấc ngủ ngon!”.

Người dân Hrê ở Ba Tơ chung tay giúp những chiếc giường tre nhanh chóng được hoàn thiện
Người dân Hrê ở Ba Tơ chung tay giúp những chiếc giường tre nhanh chóng được hoàn thiện

Trước sáng kiến của người dân, chính quyền địa phương đã huy động người dân, các lực lượng thanh niên, dân quân… cùng vào rừng đốn tre để làm giường, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều người dân Ba Tơ ở các xã đã đi bộ vào rừng, chọn những thân cây tre, lồ ô già, thẳng, sau đó chặt bỏ ngọn, trau chuốt cẩn thận, đan phên làm thành giường. Mỗi chiếc giường dài 2 m, rộng 1,2 m, được đóng từ những thân cây tre, lồ ô già nên chịu được sức nặng khá lớn và có thể sử dụng lâu dài. Hy vọng điều này góp phần khắc phục khó khăn, giúp người dân ở khu cách ly có sức khỏe tốt, sớm trở về với gia đình.

Ông Trương Văn Phát, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ cho hay: “Ba Tơ là huyện miền núi, một địa phương nghèo nằm phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy mỗi thôn, mỗi tổ dân phải là một điểm tựa, mỗi công dân phải là một chiến sĩ, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, qua đó đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm trong lòng người dân”.

Lực lượng quân đội cũng chung tay đóng giường tre cho các điểm cách ly tại Ba Tơ
Lực lượng quân đội cũng chung tay đóng giường tre cho các điểm cách ly tại Ba Tơ

Không chỉ đóng giường tre, lực lượng chức năng và người dân Ba Tơ đã thu gom tất cả các loại giường bị hư hỏng ở các cơ quan, đơn vị, trường học, tận dụng hàng trăm ngày công của cán bộ, người dân sửa chữa và đưa vào sử dụng hơn 39 chiếc giường gỗ, tiết kiệm chi phí khoảng vài chục triệu đồng. Dự kiến với tổng số 19 xã, thị trấn tại Ba Tơ sẽ đóng được khoảng 60 - 100 chiếc giường. Tuy vật chất nhỏ, đơn sơ, nhưng có thể góp phần lớn trong việc bảo đảm nơi ngủ nghỉ cho người dân trong khu cách ly.

“Trước mắt, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, nhưng cũng vừa bảo đảm phục vụ cho hoạt động, sinh hoạt của học sinh các trường được thuận lợi và sẵn sàng phục vụ cho các tình huống về phòng thủ dân sự, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong tương lai!”, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.