Người dân vất vả chạy lũ
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra mưa rất lớn khiến nhiều khu dân cư ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) và TP.Tam Kỳ bị nước bủa vây, dâng cao tràn vào nhà ngập sâu 1 - 1,5 m khiến người dân phải di dời tài sản để chạy lũ.
Ông Phạm Minh Vân (63 tuổi, ở xã Tam Đàn) cho biết nước lũ tràn vào nhà dân tầm 3 giờ sáng, người dân không kịp trở tay nên nhiều tài sản bị ngập sâu, hư hỏng nặng. “Cả gia đình tôi cùng nhiều người dân phải di dời đồ đạc, chạy lũ ngay trong đêm. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp người dân chúng tôi phải liên tục chạy lũ khi mùa mưa đến”, ông Vân nói.
Mưa lớn gây ngập một số điểm trên QL1 khiến việc đi lại của hàng trăm phương tiện gặp nhiều khó khăn. Riêng tại vùng núi huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), nước lũ các sông, suối dâng lên nhanh khiến toàn bộ các tuyến giao thông đều bị chia cắt do ngập sâu từ chiều 23/10.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã có văn bản cho tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học vào chiều 23/10.
Tại Quảng Ngãi, tối qua 23/10, mưa lớn tiếp tục trút xuống, gây ngập nặng các địa bàn: TX.Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, cô lập nhiều khu dân cư. Mực nước tất cả các sông tiếp tục dâng cao, hầu hết dung tích các hồ chứa nước đã đạt đỉnh.
Trước đó, từ tối 22/10 đến ngày 23/10, do mưa lớn nên nhiều vùng của tỉnh Quảng Ngãi bị sạt lở, ngập lụt và chia cắt. Nghiêm trọng nhất là ở địa bàn huyện Bình Sơn phải di dời hàng ngàn dân, bởi có khu dân cư xã Bình Minh ngập sâu đến 3 m. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân hỗ trợ di dời dân.
Còn tại huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), trên địa bàn xuất hiện nhiều điểm sạt lở, trong đó một ngọn núi ở xã Sơn Bua đang có vết nứt dài, nếu mưa lớn các ngày tới tiếp diễn thì rất dễ gây sạt lở núi. Ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), tuyến đường đi vào xã Hương Trà bị sạt lở hoàn toàn nền đường cả chục mét, chia cắt khoảng 290 hộ (2.200 khẩu); cầu Phú Giang (từ xã Trà Phú đi xã Trà Giang) nước đã ngập khỏi mặt cầu; đường xã Trà Thủy đi thôn 1, thôn 4 có nhiều điểm sạt lở…
Trong hôm qua, nhiều vùng trũng của Thừa Thiên-Huế như: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang… vẫn ngập sâu trong lũ. Nhiều tuyến đường tại Thừa Thiên-Huế sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông, trong đó có QL49B (đoạn xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc)... Riêng tuyến đường độc đạo lên Vườn quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc) sạt lở trong đợt mưa trước, nay tiếp tục sạt lở sâu, cắt đứt hoàn toàn giao thông lên đỉnh Bạch Mã.
Thủy điện xả lũ, cảnh báo nhiều vùng trũng ngập sâu
Chiều 23/10, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam phát đi thông báo về việc vận hành điều tiết nước hồ Phú Ninh. Riêng hồ thủy lợi Phú Ninh thông báo lưu lượng xả cao nhất lên đến 1.000m3/s vào 16h chiều 23/10.
Trong khi đó các hồ thủy điện phía thượng nguồn cũng tiến hành xả lũ điều tiết. Theo đó, lúc 15h cùng ngày, lượng nước về hồ thủy điện Sông Tranh là 1.142m3/s, xả qua tràn 925m3/s; lượng nước đổ về sông Thu Bồn 1.254m3/s. Hồ thủy điện A Vương xả tràn 437m3/s, Đăk Mi 4 là 578m3/s và Sông Bung 4 xả qua tràn 554m3/s. Tổng lượng nước đổ về sông Vu Gia là 1.807m3/s.
Đặc biệt, nước trên thượng nguồn đổ về lớn khiến hàng trăm ngôi nhà ở rốn lũ xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh) chìm trong biển nước, nhiều ngôi nhà bị ngập sâu từ 0,5 đến 1,5m. Người dân hối hả di dời tài sản chạy lũ trong chiều 23/10.
Nhiều người dân xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh) đây là trận lụt thứ hai xảy ra trong năm nay. Tuy nhiên, lần này nước ngập sâu hơn lần trước, người dân buộc phải di dời đến nơi cao ráo để đảm bảo an toàn.
Trong khi thủy điện ở thượng nguồn các sông ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi… điều tiết xả lũ, thì nhiều khu dân cư ở hạ du cũng bị ngập sâu trên diện rộng.
Điều đáng lo ngại về nguy cơ ngập lụt diện rộng kéo dài còn xảy ra ở các tỉnh Trung bộ, bởi trong ngày 23.10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo có mưa lớn dồn dập hết tháng 10. Trong đó, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa từ 200 - 400 mm, có nơi trên 400 mm. Các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và TP. Đà Nẵng có mưa từ 50 - 150 mm. Tại Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có mưa 100 - 200 mm, có nơi trên 200 mm…
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo các tỉnh Trung bộ có nguy cơ cao xảy ra các chuỗi thiên tai nguy hiểm như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, lũ lụt.
Hôm qua (23/10), Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có công điện chỉ đạo ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung bộ.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP từ Quảng Bình đến Phú Yên khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ mới theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực có thể xảy ra ngập sâu, chia cắt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Các tỉnh, TP có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.