Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người dân chung sức bảo vệ bãi san hô cổ

PV - 13:45, 09/09/2021

Ninh Thuận là địa phương có những bãi san hô cổ đẹp nổi tiếng. Vì thế, đi đôi với việc quảng bá, thu hút du khách, phát triển du lịch, trong những năm qua, việc bảo tồn các bãi san hô đang được các ngành chức năng quan tâm.

 Lung linh sắc màu san hô cành tại vùng biển huyện Ninh Hải
Lung linh sắc màu san hô cành tại vùng biển huyện Ninh Hải

Đặc biệt ở những bãi san hô cổ, người dân đã cùng chung tay bảo vệ để làm tăng nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch địa phương. Tại làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân và xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, gần đây đã phát hiện bãi san hô hóa thạch. Đối với người Chăm tại làng Mỹ Nghiệp, bãi đá cổ này đã có từ lâu đời. Họ gọi đó là bãi đá Karang, theo tiếng Chăm nghĩa là bãi san hô cổ, gắn liền với quá trình phát triển lịch sử và đời sống của người Chăm ở Ninh Thuận. Bãi đá cổ Karang trải rộng trên diện tích hàng chục ha, với hàng ngàn tảng đá lớn, nhỏ hình thù độc đáo, kỳ lạ. Trên những tảng đá san hô có nhiều loài cỏ dại và cây xương rồng ký sinh, tạo nên vẻ đẹp kỳ thú.

Sau phát hiện, để làm tốt cho công tác nghiên cứu bảo tồn và hướng đến phát triển du lịch, ngành Văn hóa tỉnh Ninh Thuận và chính quyền địa phương đã khoanh vùng bảo vệ, cấm các hoạt động khai thác đá trái phép. Không những vậy, việc bảo vệ tốt bãi đá cổ đã tạo cầu nối thúc đẩy phát triển du lịch tại làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc nơi đây. Đó là câu chuyện bảo vệ tại bãi san hô cổ Karang trên đất liền. Còn tại huyện Ninh Hải, theo các nhà nghiên cứu, vùng biển ven bờ địa phương mang tính chất biển khơi khá rõ rệt, do có độ sâu cao và khả năng trao đổi nước lớn. 

Đây là khu vực có diện tích phân bố các rạn san hô thuộc vào loại lớn nhất, so với các khu vực khác ven bờ biển Việt Nam bởi hình thái, cấu trúc rạn khá đa dạng và đặc trưng (rạn dạng riềm điển hình và không điển hình, rạn dạng nền) đã tạo cho cảnh quan dưới nước của khu vực này khá hấp dẫn. Chưa kể, một số nơi còn tồn tại các thềm san hô cổ (Hang Rái, Mũi Đỏ) có ý nghĩa về mặt địa chất và lịch sử phát triển của đại dương mà rất ít nơi nào có được. Và đây được xem là những tiềm năng to lớn, có giá trị phục vụ cho định hướng phát triển du lịch tại địa phương một khi được bảo tồn, quản lý và phát huy đúng mức.

Bãi san hô cổ Karang trên đất liền được phát hiện tại làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân và xã Phước Hải
Bãi san hô cổ Karang trên đất liền được phát hiện tại làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân và xã Phước Hải

Khu bảo tồn biển Vườn Quốc gia Núi Chúa là nơi có rạn san hô đẹp và đa dạng nhất Việt Nam, với gần 350 loài phong phú về hình dáng, màu sắc, trong đó có những loài nguyên thủy, chỉ cách mặt nước 2 - 4 m. Một sắc thái khác của san hô cũng có thể được tìm thấy ở Hang Rái và nơi đây được ví là thác trên biển duy nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa, những năm qua, do tác động của việc đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản, rác thải… đã làm mất nhiều diện tích rạn san hô, gia tăng lượng trầm tích và dinh dưỡng trong môi trường nước trong vùng ven bờ. Vì vậy, chính quyền và các ban, ngành chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác bảo vệ các vùng, rạn san hô, bảo vệ môi trường để phát triển du lịch

Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, từ năm 2003, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Khu Bảo tồn Thiên nhiên Núi Chúa thành Vườn Quốc gia Núi Chúa, thì hoạt động bảo tồn thiên nhiên, trong đó bảo vệ các rạn san hô cổ đẹp gắn với phát triển du lịch được triển khai liên tục trong cộng đồng. Đặc biệt, tháng 7/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quy chế quản lý khu bảo tồn biển Vườn Quốc gia Núi Chúa. Như vậy, các bãi san hô được bảo vệ trong Vườn từ Hòn Chông đến vịnh Vĩnh Hy. Trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt được chia ra từ bãi Ông Thịnh kéo dài đến Hang Rái và bãi Thịt, với diện tích 667 ha.

Theo ông Tiếp, từ việc bảo vệ, trả lại sự bình yên cho các rạn san hô, đặc biệt là rạn san hô cổ Hang Rái, đã hình thành tour du lịch sinh thái nơi đây, tạo thêm nguồn thu phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch sinh thái tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường, đã góp phần đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của Núi Chúa. Đồng thời, đơn vị cũng chú trọng tuyên truyền, tập huấn về du lịch sinh thái cho nhân viên, cộng đồng địa phương và khách du lịch nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cả cộng đồng./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.