Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người có uy tín… rất uy tín: “Đã làm là làm thật” (Bài 1)

Phạm Việt Thắng - 15:28, 20/07/2022

Dù đã lớn tuổi, trong thâm tâm ai cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng bà con vẫn đang cần họ, bởi họ đúng nghĩa là Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Bà con suy tôn thì mình không thể từ chối” – lời của một Người có uy tín ở huyện Tương Dương (Nghệ An).


Rừng mét của bản Na Tổng đã tốt tươi trở lại sau đề xuất của ông Tân
Rừng mét của bản Na Tổng đã tốt tươi trở lại sau đề xuất của ông Tân

Đó là lời của ông Nguyễn Trọng Tân, Người có uy tín ở bản Na Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương (Nghệ An). Ông cho rằng, khi bà con đã tín nhiệm, suy tôn mình là Người có uy tín, thì mình phải hết sức cố gắng vì bà con, vì bản làng. Đã làm là làm thật.

Bí thư Đảng uỷ khi vừa tròn 1 năm tuổi đảng

Ông Nguyễn Trọng Tân năm nay đã ngoài 70, nhưng trông ông còn rất tinh anh. Giọng nói của ông nhỏ nhẹ, khúc chiết rất thu hút người nghe. Ông nguyên là lính Quân đoàn 2, từng tham gia các chiến trường Lào, Cam Pu Chia và biên giới phía Bắc.

Xuất ngũ, ông về tham gia công tác tại địa phương, được bà con bầu làm trưởng bản mấy khoá liền. “Tháng 1/1994, tôi vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Tháng 12/1995, vừa tròn 1 năm tuổi Đảng, tôi được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ, và được bầu làm Bí thư Đảng uỷ xã Tam Thái. Thực tình là tôi thấy lo lắng hơn là mừng vui. Mình đã hiểu gì đâu, chưa hề có kinh nghiệm về công tác Đảng, nay giữ trọng trách to lớn như thế này, sợ không đảm đương nổi” – ông Tân nhớ lại.

Ông Tân lắc đầu mà rằng, ngày đó xã tôi nghèo lắm, dân phát rẫy nhiều mà vẫn cứ đói ăn, đói mặc. Tôi bàn với tập thể, phải tuyên truyền bà con mở rộng diện tích ruộng lúa nước, hạn chế việc đốt rừng làm rẫy, vừa để khỏi mất rừng, vừa xoá đói, giảm nghèo. Để tăng năng suất, chúng tôi lại phải vận động, hướng dẫn bà con bón phân hữu cơ cho cây lúa, mà muốn có phân hữu cơ thì phải nuôi nhốt gia súc, ủ phân xanh…Chỉ trong vài năm mà năng suất cây lúa ở xã chúng tôi tăng lên rõ rệt, bước đầu đẩy lùi được cái đói.

Nói về việc vận động, tập hợp quần chúng, ông Tân thành thật: Tôi chưa có kiến thức, kinh nghiệm gì cả, nhận chức Bí thư Đảng uỷ chưa được bao lâu, thì trong xã liên tục xảy ra hơn 30 vụ cháy nhà. Có những ngày cháy nhiều quá, anh em dập lửa không kịp. Tôi đích thân kêu gọi bà con đóng góp công và của để dựng lại nhà cho các gia đình bị thiệt hại. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 30 căn nhà mới đã được hoàn thành. 

“Đây là bài học sâu sắc nhất của tôi về lòng dân. Dân mình tốt lắm, chỉ có điều cán bộ có thực tâm hay không thôi, cán bộ nói thật, làm thật là bà con hưởng ứng ngay. Đúng là khó trăm lần dân liệu cũng xong” – ông Tân rạng rỡ, nói.

 Người có uy tín Nguyễn Trọng Tân: “Đã làm là phải làm thật”
Người có uy tín Nguyễn Trọng Tân: “Đã làm là phải làm thật”

Những “dự án” hợp lòng dân bản

Năm 2014, ông Nguyễn Trọng Tân được nghỉ hưu. Tuy đã nghỉ nhưng ông vẫn chưa thể ngơi, vì Hội Cựu chiến binh lại giới thiệu ông làm “thủ lĩnh”. Ông nói, nghỉ hưu không phải là nghỉ hoạt động, còn sức khoẻ, còn uy tín thì vẫn phải phục vụ cộng đồng. Có lẽ thế mà năm 2018, bà con bản Na Tổng đã nhất loạt đồng lòng suy tôn ông là Người có uy tín của bản.

“Bản đang còn nhiều hộ khó khăn, thế mà có những hơn 2 ha đất bỏ hoang, không ai đếm xỉa. Tôi bàn với chi uỷ, ban cán sự vận động 14 hộ gia đình cải tạo để trồng rau hàng hoá. Cùng với sự giúp đỡ của huyện, vùng đất ấy đã đem lại thu nhập ổn định cho các hộ gia đình” – ông Tân vui mừng cho biết.

Hai rừng cây mét của bản lâu nay bỏ hoang, bị trâu bò phá mất nhiều. Ông Tân lại “ra tay” vận động các hộ khó khăn bảo vệ, đồng thời cho họ thu hoạch để lấy tiền công, còn tiền bán mét thuộc về quỹ của bản. Chỉ trong hai năm, rừng mét nghèo đã tốt tươi trở lại. Đi giữa rì rào rừng mét, ông Tân giới thiệu với tôi: “Một bụi mét mà nhiều cây măng bụ bẫm thế kia, là dấu hiệu phát triển rất tốt”.

Một rừng mét khác, bản cứ bàn tới bàn lui về việc cho cá nhân đấu thầu, bàn mãi không thông. Ông Tân kiến nghị, để cho Chi Hội Phụ nữ bản đứng ra bảo vệ, tiền công dùng xây dựng quỹ, góp phần giúp các chị em khó khăn tiền vốn làm ăn, tuy không nhiều nhưng là nguồn động viên để họ vươn lên thoát nghèo…

Còn về phần ông, tuy đã hưu trí, con cái phương trưởng cả, nhưng vẫn cứ đi rừng hàng ngày. Ông Tân cười hiền từ, rằng: “Không phải tham lam chi mô, được nhà nước giao đất rừng thì mình phải sản xuất thôi, còn sức thì còn lao động, mình dành giụm được chút nào thì đỡ làm phiền con cái chút đó. Ngoài ra, mình phải lao động để làm gương cho nhiều người khác nữa”.

Bác làm thế, thì làm sao bà con cho bác nghỉ ngơi được – tôi nói vui với ông. Ông Tân cười sang sảng, vang động cả cánh rừng mét: “Chừng mô bà con không tín nhiệm nữa thì mình mới nghỉ…”.

Bài 2: "Làm chi cũng phải gương mẫu” 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.