Tuổi trẻ nỗ lực
Là người con ưu tú của dân tộc Tà Ôi, Hồ Viết Ái (sinh năm 1971) có một tuổi trẻ đầy hoài bão và nỗ lực. Trong muôn vàn khó khăn trên hành trình đi tìm “con chữ”, Hồ Viết Ái vẫn ung dung bước vào giảng đường đại học, mở toang cánh cửa tương lai tươi sáng cho bản thân.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Quảng Nhân (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Lớn hơn một chút, Hồ Viết Ái chứng kiến cảnh người Tà Ôi ở bản luôn rơi vào tình cảnh “đói cơm, nhạt muối”. Người lớn trong bản, kể cả bố mẹ mình chưa biết nói tiếng phổ thông. Thanh niên ở bản cũng chỉ biết quanh quẩn bên nương rẫy, rồi dựng vợ gả chồng như bao thế hệ đi trước. Vòng luẩn quẩn thất học, đói nghèo vẫn quay đều mà chưa dừng lại nơi bản người Tà Ôi. Không phó mặc cho hoàn cảnh, trái lại Hồ Viết Ái đã lấy hoàn cảnh bản làng làm động lực để vươn lên.
Quãng đường 10km từ nhà đến trường làng, đã làm cho bao cô, cậu học trò người Tà Ôi cùng trang lứa với Hồ Viết Ái phải bỏ cuộc. Cái đói đến run tay, những trận gió bấc lạnh thấu xương vẫn không thể ngăn Hồ Viết Ái đến trường. Từng nấc thang trên hành trình đi tìm con chữ lần lượt được anh bước qua rồi lên cao hơn.
Học xong trường làng cũng là lúc Trường Thanh niên dân tộc nội trú Bình Trị Thiên thành lập (năm 1986), Hồ Viết Ái lại kiên cường bước tiếp trên hành trình đi tìm con chữ mà mình đã chọn.
Năm 1995, Hồ Viết Ái trúng tuyển vào Trường Đại học Đà Lạt. Gia đình nghèo, không có tiền chu cấp cho anh trang trải học tập và sinh hoạt. Hồ Viết Ái làm thêm đủ thứ nghề từ chăn bò thuê, rửa bát trừ tiền cơm đến việc không về quê để giảm chi phí, đã được anh thực hiện “thuần thục” trong suốt 4 năm học đại học… Khó khăn là vậy, nhưng bằng sự nỗ lực và quyết tâm, Hồ Viết Ái theo học hai chuyên ngành cử nhân Ngữ văn và cử nhân Việt Nam học cùng một thời điểm.
Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2001 anh được nhận về làm việc tại xã Nhâm. Nhờ có năng lực, được đồng bào tin yêu nên cấp trên sớm đưa anh vào diện quy hoạch nguồn. Năm 2002, Hồ Viết Ái được cử đi học ở Học viện chính trị Quốc gia phân viện Đà Nẵng. Năm 2004 anh được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Nhâm. Chỉ 1 năm sau đó, anh được điều động lên huyện, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng khác nhau ở cả ban Đảng và phòng của chính quyền.
Nặng lòng với công tác dân tộc
Tôi đã chủ động xin hẹn được về nhà anh vì là ngày nghỉ, nhưng anh Hồ Viết Ái nói: “Chú cứ ở thị trấn, anh chạy ù ra ngay. Về nhà anh khó tìm, chú không quen đường vất vả lắm”. Câu nói đầy cởi mở và có sự chia sẻ của anh đã làm tôi rất mến dù chưa một lần gặp mặt.
Trong câu chuyện anh rủ rỉ, “năm 2013, mình được điều động về làm Trưởng phòng Dân tộc huyện. Gần 10 năm công tác ở đây, có thể nói chưa một bản làng người đồng bào nào mà mình chưa đến. Khi qua làm công tác dân tộc mình lại tự học tiếng Bru Vân Kiều, Cơ Tu, Pa Cô… với mong muốn lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của đồng bào. Để từ đó, tham mưu những chính sách phù hợp với mỗi vùng, miền và mỗi đồng bào dân tộc. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, đồng bào ở A Lưới bây giờ cũng khá lắm. Bà con đã biết buôn bán, trồng trọt để phát triển kinh tế, mình vui lắm”.
Anh đã đi khắp các bản làng, không có một vùng sâu vùng xa nào mà mà anh chưa đặt chân đến. Từ nghiệm thu Chương trình 135, kiểm tra chính sách 2085 (Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi - PV)… đi tuyên truyền vận động đồng bào thay đổi nhận thức, biết tiết kiệm, tích lũy phục vụ mùa giáp hạt, ngày mưa bão.
Do nói được, nghe được nhiều thứ tiếng dân tộc và phong cách làm việc gần gũi, nên đi đến đâu anh Hồ Viết Ái đều được đồng bào xem là người nhà. Công việc của phòng Dân tộc theo đó cũng thuận lợi, những đường lối chủ trương cũng đến được với bà con đầy đủ.
Với tâm niệm lấy việc học để thay đổi nhận thức nên trong công tác dân tộc anh Hồ Viết Ái rất chú trọng đến việc đến trường của các cháu. Ở vùng sâu, vùng xa còn có tình trạng nhiều cháu bỏ học, làm anh trăn trở.
Không thể nhớ nổi số lần anh đến nhà để vận động phụ huynh và các cháu trở lại trường học, tìm con chữ. Trường hợp Hồ Thị Căn là một điển hình, do đường đến trường vất vả, gia đình lại thiếu người làm rẫy nên Căn đã nghỉ học đầu năm lớp 6. Biết được thông tin, anh đã đến nhà vận động phụ huynh và cả em. Thông tư tưởng và hiểu được tầm quan trọng của việc học, Căn đã đến trường và hiện nay em đã học lớp 9 ở trường THCS Quảng Trung.
Nhấp ly café, anh Hồ Viết Ai cười hiền rồi lại rủ rỉ: “Bây giờ em Căn quyết tâm học lắm, không những dập tắt ý định bỏ học mà em còn quyết tâm học đại học nữa chú ạ. Sau khi em trở lại trường, mình cũng thường xuyên đến nói chuyện với em để nhen lên ngọn lửa, sự nỗ lực trong em để em có cơ hội tiếp cận tri thức vươn lên như mình.
Ngoài công tác xã hội, anh Hồ Viết Ái còn xây dựng một mô hình gia trại quy mô 100 lợn thịt, gần chục lợn nái đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Anh đang có dự định mở rộng quy mô nuôi thêm heo nộc (đực giống), với mong muốn xây dựng mô hình, phát triển kinh tế để đồng bào học tập làm theo.
Từ mô hình của anh, ở xã Quảng Nhâm đã có thêm hộ Nguyễn Hải Teo cũng đã xây dựng mô hình nuôi lợn đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Không dừng lại ở xã Quảng Nhâm, hiện ở huyện vùng cao A Lưới đã có 4 mô hình khác được hình thành.