Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người “ba vai” ở Tân Tiến

Mỹ Dung - 08:29, 12/07/2023

Nhắc đến ông Nịnh Văn Toàn, dân tộc Sán Chỉ, ở thôn Tân Tiến, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), bà con nghĩ ngay về hình ảnh một người giữ trọng trách ở cả "ba vai": Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Người có uy tín. Nhiều năm qua, ông đã có nhiều đóng góp trong việc giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Ông Toàn tại vườn cam của gia đình.
Ông Toàn tại vườn cam của gia đình

Đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

Với vai trò là Người có uy tín, ông Toàn luôn nỗ lực, quyết tâm trong việc đưa thôn Tân Tiến ngày một phát triển.

Đặc biệt, trong phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, ông Toàn đã tích cực phối hợp cùng Ban Công tác Mặt trận thôn vận động hội viên nông dân hiến 1.500 m2 đất lâm nghiệp, tham gia 140 ngày công; vận động nông dân trong thôn tham gia đóng góp 550 triệu đồng làm đường liên xóm, nội đồng...

Ông Trần Văn Vồi, người dân của thôn Tân Tiến không ngớt lời khen khi nhắc về ông Nịnh Văn Toàn: “Ông Toàn sống trách nhiệm, tâm huyết với địa phương lắm. Thế nên khi ông đến vận động hưởng ứng các hoạt động, chương trình, kể cả việc hiến đất, góp công thì chúng tôi đều ủng hộ theo thôi”.

Đi đầu phát triển kinh tế

Trong những năm qua, ông Nịnh Văn Toàn đã tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KH-KT) cho đồng bào DTTS ở địa phương để ứng dụng vào phát triển sản xuất. Cùng với đó, ông cũng chịu khó học hỏi qua sách, báo, truyền hình để tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất.

Từ đó, ông đã mạnh dạn vận động gia đình đầu tư kết hợp cấy lúa, chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả theo hướng mô hình VAC. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch được 4 tấn thóc, thu về khoảng 30 triệu đồng/năm; khoảng hơn 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi lợn; 100 triệu đồng/năm từ trồng cam chất lượng cao; 40 triệu đồng/năm từ nhãn, vải thiều và trên 100 triệu đồng/năm từ trồng keo.

Với việc mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KH-KT vào phát triển sản xuất, nguồn thu nhập của gia đình ông đạt gần 400 triệu đồng/năm, gia đình vươn lên thành hộ khá giả trong thôn. Gia đình ông là một mô hình điểm cho đông đảo người dân trong thôn, xã đến học tập, ứng dụng, vươn lên thoát nghèo.

Giúp bà con thoát nghèo

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế gia đình mình, trên cương vị là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Tiến, ông Nịnh Văn Toàn thường xuyên học hỏi cán bộ khuyến nông của xã, huyện, cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các hộ gia đình khác trong bản trong quá trình áp dụng KH-KT vào chăn nuôi, trồng trọt, vươn lên phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương mình.

Cũng từ đây, ông tích cực vận động người dân mạnh dạn thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng KH-KT vào sản xuất, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, giúp người dân giảm nghèo vươn lên làm giàu.

Gia đình bà Hà Thu Hằng từ một gia đình khó khăn, đã được ông Toàn hỗ trợ cam giống để phát triển kinh tế. Chỉ sau vài năm, thu nhập gia đình bà Hằng đã ổn định hơn rất nhiều.

“Không chỉ mỗi gia đình nhà tôi, hằng năm ông Toàn đều hỗ trợ cây cam giống, chia sẻ kinh nghiệm giúp cho nhiều hộ trong thôn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”, bà Hằng chia sẻ thêm.

Trong nhiều năm qua, ông Toàn đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen ghi nhận những đóng góp của mình cho sự phát triển của địa phương. Ông Chu Huy Bân - Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, ông Nịnh Văn Toàn là người gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động mọi người trong thôn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ áp dụng KH-KT vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống văn hóa - xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, phát huy quyền làm chủ của người nông dân, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.