Tiếng chiêng giữa lòng thành phố
Ngay trong lòng TP. Tuy Hòa có một nơi, tiếng cồng, tiếng chiêng luôn vang lên vào những buổi chiều muộn, đó là Trường phổ thông DTNT tỉnh Phú Yên. Từ nhiều năm nay, hoạt động này vẫn luôn được các thế hệ học sinh và thầy cô của trường duy trì thường xuyên.
Chúng tôi có dịp chứng kiến những em học sinh nam trong trang phục quần xanh áo trắng, khoác chiếc áo ghi lê thổ cẩm, tay đánh chiêng, chân bước điệu nghệ, người lắc lư theo điệu nhạc. Còn các nữ sinh xúng xính trong những bộ xà rông truyền thống, nhún nhảy theo nhịp điệu của tiếng chiêng. Cứ thế, các em say sưa biểu diễn những tiết mục đánh cồng chiêng kết hợp với những điệu múa uyển chuyển như trong ngày hội của buôn làng.
Anh Trương Pa Ven, Bí thư Đoàn Trường phổ thông DTNT tỉnh Phú Yên cho biết: Trường có hơn 300 học sinh, tất cả đều là con em đồng bào DTTS như Ê-đê, Chăm, Ba Na, Tày, Thái, Nùng... Với đặc thù là học sinh DTTS nên ngoài nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc học sinh, công tác gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa cồng chiêng được nhà trường hết sức quan tâm. Hơn 20 năm trước, được sự nhất trí của giáo viên và phụ huynh, nhà trường đã trích một phần ngân sách để mua một bộ cồng chiêng từ xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) mang về trường. Có cồng chiêng, nhà trường chọn những em đã biết đánh để thành lập đội cồng chiêng của trường.
Hiện nay, đội cồng chiêng của trường có 24 học sinh tham gia. Các em hầu hết đã được tiếp xúc với cồng chiêng ở buôn làng. “Qua vòng tuyển chọn, các em được tập luyện và tham gia biểu diễn vào các dịp như khai giảng năm học mới, các ngày lễ lớn trong năm, lễ hội của trường, Đoàn Thanh niên, tổng kết năm học... Ngoài ra, hơn 10 thành viên trong đội văn nghệ mang tên Arap cũng đã góp phần tô điểm thêm sắc màu trong ngày hội của trường”, anh Trương Pa Ven chia sẻ thêm.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Nhằm duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, đầu năm 2017, nhà trường đã mời một số nghệ nhân ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) về truyền dạy những kỹ năng, cách thức diễn tấu cồng chiêng trong dịp lễ hội cho các em học sinh. Các nghệ nhân gạo cội rất vui mừng khi biết có những người trẻ nối nghiệp, giữ gìn nét văn hóa truyền thống nên đã vui vẻ, chỉ dạy một cách tận tình, tâm huyết.
Được các nghệ nhân chỉ dạy, nhiều em học sinh có thể đánh cồng chiêng thuần thục. Em Lê Thanh Hoài ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa là một trong những học sinh như thế. “Em biết đánh cồng chiêng từ năm lớp 6, mỗi khi buôn làng có lễ bỏ mả, em được người lớn trong buôn nhờ đánh cồng chiêng. Qua đó, em cũng có cơ hội để rèn luyện thêm và hướng dẫn lại những bạn chưa biết”, Thanh Hoài cho hay.
Cũng như Thanh Hoài, KPắ Y Trinh ở xã Krông Pa chia sẻ: “Hiện tại, em đảm nhận đánh cồng lớn. Giờ em đã tự tin đánh được các bài như: “Mừng lúa mới”, “Nhịp chiêng ngày mùa”… Em cũng mong muốn chỉ lại cho những bạn mới vào đội để tất cả học sinh đều biết đánh những bài chiêng và nhảy những điệu nhảy truyền thống của dân tộc mình…”.
Trước sự du nhập ồ ạt của nhiều thể loại âm nhạc hiện đại khiến nhiều người lo lắng về sự mai một, về nguy cơ biến dạng văn hóa cồng chiêng, cô Minh Thị Kim Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT tỉnh Phú Yên chia sẻ: Việc đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học không những góp phần gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa các DTTS Tây Nguyên mà còn bảo tồn, phát triển, tạo sự đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, di sản văn hóa của nhân loại. Đồng thời khơi dậy tinh thần nỗ lực học tập, rèn luyện của các em học sinh.
PHƯƠNG LÊ - THIÊN LÝ