Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ngộ độc quả lạ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi - Không thể xem thường!

Duy Ly - 19:56, 13/10/2021

Sau 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sức khỏe của 8 trẻ (từ 9 - 13 tuổi) ở huyện Văn Bàn (Lào Cai) bị ngộ độc do ăn quả hồng châu đã ổn định, và được ra viện. Sự việc lần này là hồi chuông cảnh báo đến các gia đình có con nhỏ, đặc biệt là các gia đình ở vùng DTTS và miền núi về việc bảo vệ con trẻ trước nguy cơ ngộ độc từ những loài quả lạ.

Các em nhỏ ở Yên Bái chụp ảnh lưu niệm cùng các bác sĩ trước khi được xuất viện. (Ảnh Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp)
Các em nhỏ bị ngộ độc chụp ảnh lưu niệm cùng các bác sĩ trước khi được xuất viện

May mắn mỉm cười

Sùng Seo Minh (học sinh lớp 6) sống tại thôn Hát Tình, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn (Lào Cai), là 1 trong 8 em nhỏ nhập viện cấp cứu hôm 4/10 vừa qua. Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, anh Sùng Seo Nhè, bố của em Minh cho biết: Ngày 2/10, trên đường đi học về đến gần nhà, em Minh cùng các bạn của mình thấy một quả lạ trông ngon mắt nên đã hái ăn thử. 

Đến tối cùng ngày, sau khi xuất hiện những triệu chứng mệt mỏi, đau bụng dữ dội, gia đình đã đưa em cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn và được chẩn đoán ngộ độc quả hồng châu. Ngày 3/10, Minh và 7 bạn nữa (cùng nhóm bạn đã ăn quả hồng châu chiều 2/10) được chuyển gấp về Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục kiểm tra tình trạng và điều trị.

Gia đình em Minh thuộc hộ nghèo của xã. Nhà có 3 anh em đều đang tuổi đi học, trong đó Minh là con đầu. Nhà nghèo lại đông con, việc Minh phải nhập viện điều trị khiến cho gia đình rất lo lắng về các khoản viện phí. Tuy nhiên, nhờ có bảo hiểm y tế và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, gia đình anh Nhè đã có thể yên tâm điều trị cho con.

Đến chiều 8/10, sau 1 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của các em đều đã ổn định, có 3 em chỉ số men gan vẫn còn tăng nhẹ, tuy nhiên các em sẽ tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện địa phương

Được biết, trong suốt quá trình điều trị, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã chỉ đạo phòng Công tác xã hội là đầu mối hỗ trợ các bệnh nhi. Bệnh viện cũng bố trí xe đưa các bệnh nhi và gia đình về nhà an toàn.

Xúc động trong ngày các con được ra viện, bố của bệnh nhi Sùng Seo Minh chia sẻ: “Không biết nói gì hơn, tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã rất tận tình, hết lòng chăm sóc và điều trị cho các con những ngày qua”.

Trước đó vào ngày 3/10, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 8 trẻ từ Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn. Theo TS.BS. Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, tại thời điểm nhập viện, cả 8 em đều có tình trạng rối loạn nhịp tim, 5 trong 8 trẻ bị suy gan (chỉ số men gan tăng, có biểu hiện hủy hoại tế bào gan, rối loạn đông máu…), một số trẻ bị nôn, đau bụng. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, đồng thời hội chẩn các chuyên khoa Cấp cứu chống độc, hồi sức, tim mạch, gan mật… để phối hợp điều trị và làm các xét nghiệm độc tố để phát hiện kịp thời các biến chứng khác của bệnh.

Trẻ ngộ độc quả hồng châu được bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám tận tình. (Ảnh do Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp)
Trẻ ngộ độc quả hồng châu được bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khám điều trị tận tình

Không thể xem nhẹ ngộ độc từ quả lạ

Có thể thấy, việc nhận biết các loại quả dại, đặc biệt những loại quả có chứa độc tố là việc chưa nhiều người làm được. Nhiều người lớn vẫn còn khá chủ quan trước những mối nguy về ngộ độc thực phẩm đối với con em mình. Đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, những nơi còn hạn chế về truyền thông và các phương tiện thông tin đại chúng, lại là những nơi xuất hiện nhiều loại cây, hoa, quả lạ nhất.

Khi được hỏi về việc gia đình có biết quả hồng châu là quả độc và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng không, thì gia đình một số nạn nhân cho biết họ cũng không nắm được, khi con bị ngộ độc mới hay quả này “không ăn được”.

“Hiện đang là mùa quả hồng châu chín. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ em, các cấp chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của quả hồng châu, cũng như nhiều loại quả dại khác, tuyệt đối không ăn thử dù chỉ một lần nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra”, bác sĩ Duy khuyến cáo.

Một số loài cây, quả, hoa chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải đã được ghi nhận hiện nay có thể kể đến như: Cây lá ngón, cây cà độc dược, cây trúc đào, cây thông thiên, cây đai vàng, cây bông tai, cây thầu dầu, cây ngô đồng, cây hồng châu…

Được biết, trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận 5 trẻ (từ 3 - 11 tuổi ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang),được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, do ngộ độc hạt thầu dầu. Gia đình các bệnh nhi cho biết, các trẻ này đã tự hái một chùm quả lạ để chia nhau ăn. Sau ăn vài giờ, tất cả bị đau bụng, buồn nôn, nôn, được đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu. Khi tìm lại loại quả mà các con rủ nhau ăn mới biết, đó là quả thầu dầu. Theo các bác sĩ, toàn cây thầu dầu đều có chất độc, nhưng bộ phận chứa chất độc nhiều nhất là hạt. Hạt thầu dầu có độc tố cao, do có chứa chất ricin.

Tương tự, cách đây không lâu, 37 học sinh ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) bị đau bụng, buồn nôn, do trong giờ ra chơi vô tình ăn quả hạt cây ngô đồng rơi xuống. Theo Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cây ngô đồng còn được gọi mã đầu, vông đồng hoặc ba đậu tây, tên khoa học là Hura crepitans L., thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Hạt cây ngô đồng có dầu, ăn bùi nhưng làm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy. Ngộ độc nặng sẽ chảy máu đường tiêu hóa, trụy tim mạch, suy thận…

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị tổn thương, bởi sự hiếu động và nhận thức còn nhiều hạn chế. Vì vậy không ai khác đó là chính chúng ta, những người lớn, những bậc làm cha, làm mẹ và những người thân khác trong gia đình cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin, cảnh giác hơn trước những tác nhân có thể gây hại đến con trẻ, để có thể hướng dẫn và bảo vệ các con để các con được lớn lên khỏe mạnh, phát triển tốt.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.