Tham dự phiên họp có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh và các thành viên hội đồng nghiệm thu; đại diện Bộ Khoa học Công nghệ và một số nhà khoa học.
Đề tài Những giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nước ta (Mã số: CTDT.32.18/16-20) do TS. Đậu Tuấn Nam là Chủ nhiệm đề tài; Học viện Chính trị Khu vực I là cơ quan chủ trì đề tài.
Triển khai trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của Đề tài là: Nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về công tác dân tộc và hệ thống chính trị vùng DTTS; Nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm quốc tế về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị vùng DTTS và miền núi; Phân tích, đánh giá kết quả, chất lượng, hiệu quả, tác động của công tác dân tộc của các cơ quan trong hệ thống chính trị ở vùng DTTS nước ta từ 1986 đến nay; Nhận diện, phân tích những vấn đề cơ bản, cấp bách đối với công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng DTTS nước ta hiện nay; Đề xuất quan điểm, phương hướng và khuyến nghị giải pháp cơ bản và cấp bách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của từng bộ phận cấu thành hệ hệ thống chính trị nói riêng và tổng thể hệ thống chính trị vùng DTTS và miền núi nước ta nói chung đến năm 2030.
Từ kết quả điều tra, khảo sát thực tế và nghiên cứu các tài liệu liên quan, đề tài đã tiến hành phân tích, đánh giá làm rõ thực trạng kết quả, chất lượng và hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng DTTS; chỉ ra những hạn chế trong công tác dân tộc của hệ thống chính trị vùng DTTS; làm rõ các yếu tố tác động và nguyên nhân dẫn đến chất lượng và hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng DTTS còn chưa được như mong muốn. Trên cơ sở đó, nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách ở vùng DTTS và những vấn đề cơ bản cấp bách trong thực hiện công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng DTTS nước ta.
Đề tài đã đề xuất hệ thống các giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng DTTS với các nhóm giải pháp cụ thể và cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù cho 03 vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ đến năm 2030…
Các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao nỗ lực của Ban Chủ nhiệm đề tài. Các sản phẩm của đề tài đều vượt qua so với yêu cầu, có giá trị khoa học và thực tiễn; các nghiên cứu được thực hiện công phu, đầy đủ thông tin; các số liệu có độ tin cậy cao...
Góp ý cho báo cáo của đề tài, các thành viên trong Hội đồng đề nghị cần kết cấu lại nội dung đề tài; bổ sung một số công trình nghiên cứu mới, số liệu mới để làm rõ hơn nữa các nghiên cứu trong đề tài; đề xuất giải pháp nên ngắn gọn, súc tích; tập trung hơn vào một số lĩnh vực như: quản lý đất đai; tảo hôn và hôn nhân cận huyết; chăm sóc sức khỏe; xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS…
Kết thúc phiên họp, Hội đồng đánh giá đề tài được nghiệm thu ở mức “đạt yêu cầu” và đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện báo cáo của đề tài.