Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghi lễ Payak của người Chăm

Bá Minh Truyền - 08:23, 31/05/2024

Cấu trúc xã hội Chăm phân chia theo dòng tộc. Mỗi dòng tộc có lễ tục riêng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dòng tộc. Nghi lễ Payak là một trong những nghi lễ dòng tộc do các chức sắc dân gian ông Kadhar và bà Pajau thực hành cúng lễ và giao tiếp với thần linh với mục đích “Jiâ yang - trả nợ thần linh”, chữa bệnh, cầu mong sự bình an và thịnh vượng cho dòng tộc.

Các chức sắc thực hiện nghi thức dâng lễ.
Các chức sắc thực hiện nghi thức dâng lễ.

Theo tộc họ cây Bàng ở thôn Chất Thường, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, Nghi lễ Payak được người Chăm tổ chức theo định kỳ 7 năm/lần nhằm mục đích dâng lễ vật cho thần linh, tổ tiên và cầu mong sự phù hộ độ trì cho con cháu trong dòng tộc. Không gian tổ chức nghi lễ là một khoảng sân trong khuôn viên gia đình. Tộc họ làm một cái nhà lễ bằng tấm liếp đan tre, che kín 3 mặt ở phía Nam, Bắc và Đông, chỉ mở một lối ra vào ở phía Tây. Mái nhà lễ được lợp bằng cỏ tranh hoặc tấm bạc nhựa tạo bóng mát, không gian thiêng cho các chức sắc hành lễ.

Bà Pajau mở ché rượu cần
Bà Pajau mở ché rượu cần

Trong nghi lễ Payak, tộc họ mời ông Kadhar hát lễ, bà Pajau làm chủ lễ. Bà Pajau còn là người giao tiếp với thế giới thần linh, lên đồng để thông báo việc dâng lễ vật đã được thần linh chứng giám và nói lên những điều ẩn khuất trong dòng tộc để con cháu biết.

Bà Pajau khấn mời thần lúa.
Bà Pajau khấn mời thần lúa.

Mở đầu cho nghi lễ Payak là phần cúng 5 mâm cơm. Trên mỗi mâm cơm gồm có: 1 chén cơm vun, 2 chén canh, 1 đĩa cá kho, 1 đĩa thịt gà, 1 ít muối trắng, 1 danal trầu cau têm và 1 ly rượu trắng. Bà Pajau ngồi quay mặt về phía Đông, đốt trầm, rót rượu, thỉnh mời các vị thần đến nhận lễ và chứng giám. Sau khi kết thúc phần cúng cơm, các thành viên trong dòng tộc dùng bữa cơm cộng cảm với nhau, các chức sắc nghỉ ngơi, chuẩn bị bước vào phần hát lễ và múa lễ.

Lễ vật trong Nghi lễ Payak của tộc họ người Chăm
Lễ vật trong Nghi lễ Payak của tộc họ người Chăm.

Trước khi hát lễ, ông Kadhar thực hiện nghi thức thắp sáng những ngọn nến gắn trên lễ vật và đồ dùng cúng lễ, tháo khăn quấn trên đầu thoa dầu thơm rồi quấn lại, nhưng dấu một tua băng chỉ. Ông Kadhar lần lượt hát về tiểu sử và công đức của các vị thần như Po Ganuer Matri, Po Thang, Po Ina Nagar, Po Pan, Po Klaong Garai Bhaok, Po Bia (Bia Nai Kuer, Bia Binân), Po Cek, Po Ramé…

Con cháu khấn nguyện tổ tiên.
Con cháu khấn nguyện tổ tiên.

Khi hát lễ Po Ginuer Matri, bà Pajau mở khăn đậy lễ vật Po Thang và xé một ít thịt gà luộc, một ít cá khô bỏ vào vị trí bàn tổ. Trong lúc ông Kadhar hát, Pajau sử dụng bông lức lan rắc nước thánh vào các lễ vật ở phía trước nhà lễ. Khi hát đến Po Bia, bà Pajau lấy ống cần xông khói trầm, khấn, dùng tay vuốt ống cần rồi thưởng thức rượu cần. Sau đó, đến lượt đại diện của gia đình và cuối cùng là ông Kadhar thưởng thức rượu cần.

Bà Pajau múa đạp lúa.
Bà Pajau múa đạp lúa.

Hát về Po Cei Tathun, bà Pajau bưng khay rượu trứng xông khói trầm, hai tay thành kính dâng mời thần linh. Trong lúc ông Kadhar đang hát với điệu nhạc du dương, hùng tráng, bà Pajau lên đồng, cho biết vị thần nào đã nhập vào bà và nói rất hài lòng về việc dâng lễ, thần linh đã chứng giám và phù hộ cho con cháu. Hát lễ về Po Cei Tathun xong, bà Pajau chuyển khay rượu trứng cho ông Kadhar lấy quả trứng đập bể vỏ, với ý nghĩa lễ thành.

Bà Rija tộc họ múa mừng.
Bà Rija tộc họ múa mừng.

Nghi lễ Payak là một nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tốt đẹp, được các dòng tộc người Chăm bảo tồn từ bao đời nay. Thông qua việc thực hành nghi lễ, các thành viên trong dòng tộc có dịp gặp mặt, chung vui, tạo nên sự gắn bó, đoàn kết trong dòng tộc. Văn hoá truyền thống của người Chăm như ẩm thực, âm nhạc nghi lễ, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật biểu diễn và các nếp sống của gia đình mẫu hệ được dòng tộc bảo tồn và lưu truyền. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.