Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghề truyền thống của đồng bào DTTS: Hoạt động đào tạo chưa được chú trọng

Hồng Minh - 09:35, 19/04/2021

Đào tạo nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lực lượng lao động. Đào tạo nghề sẽ tăng cơ hội việc làm, ổn định sinh kế để xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, đào tạo nghề truyền thống đang được xem là bài toán tạo sinh kế bền vững, ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, loại hình đào tạo nghề truyền thống, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa thực sự được quan tâm, đầu tư...

Nghề dệt thổ cẩm đang giúp cho chị em phụ nữ ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có thêm thu nhập ổn định cuộc sống (Ảnh tư liệu)
Nghề dệt thổ cẩm đang giúp cho phụ nữ xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống (Ảnh tư liệu)

Hiệu quả từ phát triển nghề truyền thống

Tam Đường là huyện miền núi của tỉnh Lai Châu, với gần 85% dân số là đồng bào DTTS sinh sống; trong đó, dân tộc Lự khoảng 5,4%. Nhằm lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, những năm qua, xã Bản Hon, nơi có đông đồng bào Lự sinh sống, đã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con, khuyến khích các bà, các mẹ dạy cách dệt, cách thêu cho con cháu của mình ngay từ nhỏ…

Đồng thời, xã Bản Hon còn phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Đường cử 20 phụ nữ trong xã đi học nghề dệt. Đến nay, 20 chị đã học xong và nhận sản phẩm về làm, tạo thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục cử người đi học bài bản về nghề thêu và dệt, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ dân tộc Lự.

Ông Đỗ Trọng Thi,  Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Đường cho biết: Để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Lự xã Bản Hon, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp các đơn vị liên quan, làm việc và đề xuất với Công ty BaBeli ở Hải Dương tuyển các chị em phụ nữ người Lự, tham gia lớp học nghề dệt và thêu. Trong thời gian học, Công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn, ở, một phần chi phí đi lại. 

Sau khi học xong, các chị em trở về địa phương làm ra sản phẩm, Công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đồng thời, huyện sẽ hỗ trợ một phần kinh phí nguồn vốn đầu tư nghề và tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho chị em yên tâm phát triển nghề thêu, dệt.

Cũng giống như nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Lự ở Tam Đường, nghề dệt của đồng bào dân tộc Ba Na ở các làng Kon Tum KPâng, Kon Tum Knâm và Kon Rơ Wang phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum cũng đang từng ngày được sống lại. Tại đây, các chị phụ nữ được HTX Thổ cẩm Tây Nguyên đào tạo nghề dệt thổ cẩm miễn phí. Được làm quen với kỹ năng dệt, cách trang trí hoa văn, cách chọn gam màu và những mẫu váy áo DTTS đang thịnh hành trên thị trường.

Việc quan tâm dạy nghề cho người DTTS gắn với những nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc là rất phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Vì đây vừa là cách để khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống vừa tạo ra sản phẩm mang lại giá trị kinh tế.

Công tác đào tạo chưa được chú trọng 

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", với mục tiêu đào tạo khoảng 1 triệu người mỗi năm, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp... 

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai các nội dung đề án, thì công tác đào tạo nghề truyền thống vùng DTTS như: đan lát, thổ cẩm… lại đang bị bỏ sót hoặc mới chỉ manh nha, tự phát tại một số địa phương. 

Việc đào tạo nghề truyền thống vừa giúp người dân có thêm sinh kế vừa góp phần bảo tồn văn hóa (Ảnh tư liệu)
Việc đào tạo nghề truyền thống vừa giúp người dân có thêm sinh kế vừa góp phần bảo tồn văn hóa (Ảnh tư liệu)

Bắc Kạn là một trong số những tỉnh có nhiều nghề truyền thống của đồng bào DTTS, tuy nhiên hiện nay, những nghề truyền thống này, cũng chỉ đang đơn thuần được truyền dạy từ người này sang người kia, mà chưa có chương trình đào tạo cụ thể. 

Lý giải về điều này, bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết “Việc dạy nghề phần lớn theo lối truyền nghề trong các gia đình, cầm tay chỉ việc hoặc tổ chức những lớp học ngắn ngày cho con em trong địa phương. Do quy mô dạy nghề truyền thống chưa được chú trọng, lại không có giáo trình biên soạn cụ thể (chủ yếu truyền dạy theo kinh nghiệm) cho nên nhu cầu học nghề và số lượng người học theo được với nghề rất thấp”.

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có đào tạo nghề truyền thống vùng DTTS, thiết nghĩ các cơ quan, đơn vị chuyên ngành, các cơ sở đào tạo nghề cần rà soát, tổ chức đánh giá hiệu quả những chương trình đào tạo đã ban hành để điều chỉnh, hướng trọng tâm vào ngành nghề khả thi về việc làm, và tăng thu nhập cho đồng bào.

Các cấp chính quyền, tổ chức cũng cần quan tâm, có giải pháp về cơ chế để thúc đẩy công tác đào tạo nghề truyền thống; Ưu tiên hỗ trợ các hộ gia đình trong làng nghề tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm, nhằm tạo điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động...

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.