Kiệt tác từ những mảnh vỡ
Nhiều người khi đến Cố đô Huế đã kinh ngạc và mê mẩn chiêm ngưỡng các công trình khảm sành sứ tinh xảo và hoàn mỹ của những điện đài, lăng tẩm ở cung đình Huế. Thế nhưng chẳng mấy ai biết rằng, sự nguy nga ấy được khởi đầu từ thứ cực kỳ mộc mạc và chân phương là những mảnh vỡ của sành sứ.
Theo PGS. TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế, nghề khảm sành sứ có từ thế kỷ XVII. Ban đầu, những người dân xứ Huế góp nhặt những phế phẩm từ các lò gốm để trang trí cho nhà cửa của mình thêm phần màu sắc và sinh động. Dần dần, việc khảm các mảnh sành sứ vào kiến trúc phát triển và ngày một tinh xảo hơn nên được ứng dụng vào đền chùa, miếu mạo và các kiến trúc hoàng gia của triều Nguyễn.
Thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, thời kỳ này hầu hết các kiến trúc ở Huế tiêu biểu như Hoàng thành, phủ, đệ, đình làng, từ đường, lăng tẩm đều được khảm sành sứ. Phong cách kiến trúc này được đánh giá có vai trò và vị trí quan trọng hàng đầu trong việc tạo nên diện mạo tiêu biểu cho kiến trúc cung đình triều Nguyễn.
Qua đôi tay của các nghệ nhân, những khối kiến trúc như cổng Chương Đức, Thái Bình Lâu, Thế Miếu, tam quan Hiển Lâm Các, Hưng Miếu, cung Trường Sanh, cung Diên Thọ, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng bà Lệ Thiên Anh, lăng bà Từ Dũ, lăng Khải Định, cung An Định… trở nên cao sang và lộng lẫy.
Tâm sự của những nghệ nhân
Theo nhiều nghệ nhân khảm sành sứ nổi tiếng ở xứ Huế, thì những mảnh gốm sứ, mảnh chai, thủy tinh màu được chọn lọc, cắt bẻ theo nhiều hình dáng để phù hợp với việc thi công. Tùy theo dụng ý trang trí mà nghệ nhân sẽ có sự phân phối màu sắc, chất liệu và cường độ tiếp sáng khác nhau. Kỹ thuật cắt mảnh, mài giũa cũng cần sự khéo léo, các mảnh sành sứ đặt cạnh nhau phải khít, độ phối màu chuẩn xác và không bị lộ mạch vữa. Chúng được kết dính với nhau bằng phụ liệu thật đặc biệt.
Thợ khảm sành sứ Hồ Văn Thành (48 tuổi, trú xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) với hơn 30 năm kinh nghiệm cho biết, việc kết dính các mảnh vỡ thành một tác phẩm hoàn chỉnh không hề dễ dàng. Để các nguyên liệu bám chắc vào nhau, không bị ảnh hưởng của biến đổi môi trường thì nghệ nhân dùng chất kết dính làm từ hàu trộn vôi, dồn thêm một số loại lá cây như giấy dó, bông cẩn, dây tơ hồng,... và mật để tạo thành một chất keo cực kỳ đặc biệt. Chất keo này quánh dẻo, bền chắc, chịu được mưa nắng.
Để khảm được những bức tranh lên tường, trên mái mang tính thẩm mỹ cao, đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo và tài hoa. Từ hàng ngàn mảnh bát vỡ, sành sứ, thủy tinh đủ màu sắc bình thường, những người thợ đã đắp chúng thành những bức tranh, câu đối, phù điêu, hoa văn, họa tiết, điển tích khiến nhiều người phải trầm trồ.
Ông Trần Viết Xảo là nghệ nhân khảm sành sứ truyền thống (nề, nghõa) chia sẻ, từ mảnh vỡ của những loại gốm cổ, sành sứ có niên đại từ xa xưa, chúng đều được lựa chọn kỹ lưỡng theo mức độ của công trình. Chẳng hạn như đình chùa, nhà dân, mộ táng thì trang trí họa tiết đơn giản hơn. Nếu là lăng tẩm, đền đài của vua chúa thì cầu kỳ, phức tạp và các loại men khảm cũng có độ bền ưu việt hơn. Mỗi công trình kiến trúc khảm sành sứ không chỉ mang tính mỹ thuật mà nó còn thể hiện sự cao sang của các bậc quyền quý.
Vì vậy, có khi để phục vụ cho một công trình mà sử dụng hàng tấn các mảnh vỡ, trong đó có cả các mảnh bình quý, chén quý để thực hiện ý đồ nghệ thuật của người nghệ nhân.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ở Huế có nhiều công trình kiến trúc cung đình đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật khảm mảnh sành, sứ như ở điện Thái Hòa, lăng Tự Đức, lăng Khải Định… Và mới đây nhất là việc phục dựng lại Điện Kiến Trung từ những bức ảnh tư liệu lịch sử, đang mang đến một kiệt tác về nghệ thuật khảm sành sứ của xứ Huế.