Mỗi khán giả là một phần của vở diễn
Đầu tiên phải kể đến dự án Trường ca kịch viện - một “bảo tàng” trực tuyến về nghệ thuật sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian Việt Nam, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ sau hai năm triển khai.
Trường ca kịch viện ứng dụng công nghệ số vào bảo tồn văn hóa thông qua những nền tảng trực tuyến như mạng xã hội Facebook và trên website, qua đó mang đến những thông tin cơ bản về nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam như Rối nước, Chèo, Tuồng, Cải lương, hát Xẩm, Quan họ, Chầu văn... Dự án cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm online với các bộ sưu tập hình ảnh và video theo chủ đề, giúp giới trẻ vừa hiểu hơn, vừa được thưởng thức sống động các loại hình sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian đặc sắc của nước nhà.
Cho đến nay, Trường ca kịch viện đã tổ chức được 15 triển lãm online, trong đó đáng chú ý có Tuồng và hát Bội thời Pháp thuộc, Sự khác biệt giữa một số nhạc cụ Việt Nam và Trung Quốc, Hệ thống nhân vật trong Chèo, Những vở Cải lương kinh điển… Được biết, tháng 3 tới, Trường ca kịch viện dự kiến tổ chức triển lãm Bắc nhịp tang bồng, tôn vinh nghệ thuật truyền thống và nghệ nhân đang góp phần bảo tồn di sản này.
Sau Trường ca kịch viện là dự án Lên ngàn. Đây là vở diễn tương tác trên không gian thực, kết hợp nghệ thuật truyền thống, âm thanh điện tử và krumping (khiêu vũ đường phố), lấy cảm hứng từ vở tuồng cổ cùng tên, trình diễn lần đầu tại sân chơi khu tập thể B1 Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) vào năm 2019 do Hoàng Anh và Hà Nguyên Long thực hiện. Sau khi được thưởng thức vở diễn, khán giả Đoàn Minh Anh chia sẻ: “Tôi đã có cơ hội tiếp xúc với vở diễn Lên ngàn. Rất tuyệt!”. Khán giả Thảo Vũ nói: “Một sự kiện rất cuốn hút. Đặt Tuồng vào một không gian không phải sân khấu nhưng rất trang trọng mà gần gũi”.
Điều mà giám đốc sáng tạo của Lên ngàn, Nguyễn Quốc Hoàng Anh mong muốn nhất là tạo không gian mới cho nghệ thuật truyền thống, để mỗi khán giả được là một phần của vở diễn. “Tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa bền vững gắn liền với lợi ích cộng đồng. Di sản và văn hóa bản địa sẽ trở thành một khái niệm văn hóa của hiện tại. Nó hoạt động như nền tảng - nơi sự sáng tạo mới kết hợp với các giá trị trong quá khứ, nơi công chúng cũng có thể cùng tạo ra các giá trị mới, chia sẻ và tương tác”, Hoàng Anh bày tỏ. Đó là lý do các dự án của Lên ngàn chia sẻ với công chúng những câu chuyện qua các nền tảng âm nhạc, phim, nhạc thể nghiệm, video art, trình diễn..., hướng đến di sản, nghề thủ công, lối sống và những trải nghiệm độc đáo của những người đang giữ gìn, phát triển chúng.
Sáng tạo và chia sẻ
Trong các dự án đã và đang thực hiện, Hoàng Anh đặc biệt lưu tâm đến đối tượng khán giả trẻ. Hoàng Anh nói: “Điều quan trọng nhất là kể câu chuyện cũ theo cách mới, chỉ cần chúng ta thay đổi phương tiện là có thể tạo sức hấp dẫn cho các bạn trẻ với văn hóa truyền thống”. Cách mà Hoàng Anh cùng những cộng sự của mình đã thực hiện là thông qua nghệ thuật đương đại và âm nhạc thể nghiệm để tạo nên những cách tiếp cận giản dị, hấp dẫn, sinh động hơn.
Lựa chọn “khởi nghiệp” gắn với văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian phải kể đến Nguyễn Việt Nam, nhà sáng lập kiêm Giám đốc nghệ thuật của Tired City. Việt Nam cho biết: “Tired City dung dưỡng và lan tỏa sáng tạo cá nhân; phối hợp, cộng tác với nghệ sĩ để có các sản phẩm thương mại, kết hợp với các nhóm khác nhau để lan tỏa sáng tạo của họ đến cộng đồng. 5 năm hoạt động, Tired City hợp tác với khoảng 200 nghệ sĩ trẻ khắp Việt Nam, tuổi đời từ 18 - 25, phối hợp với cộng đồng nghệ sĩ có khoảng 70.000 thành viên trên nền tảng số; đã có hơn 1.000 sản phẩm sáng tạo, tổ chức 11 thử thách sáng tạo trên nền tảng số với hơn 10.000 tác phẩm tham dự...”.
Tuy nhiên, để có thể tạo nên những sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc, có giá trị, thu hút công chúng trong và ngoài nước, tạo ra “sức mạnh mềm” thì sự sáng tạo này cần được thúc đẩy hơn nữa. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Lê cho rằng, điều kiện hình thành sáng tạo, tạo ra tầng lớp sáng tạo, nhiều doanh nghiệp sáng tạo, phải có ứng dụng công nghệ mới, có năng lực sáng tạo, và cần cả sự bao dung của xã hội, chấp nhận sự khác biệt, các ý tưởng mới.
Giám đốc nghệ thuật của Tired City đồng tình khi khẳng định nền tảng số tạo cơ hội cho giới sáng tạo có thể kết nối, hợp tác dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cần có nhiều không gian vật lý kết nối cá nhân, cộng đồng văn hóa sáng tạo. Ở Việt Nam, các không gian sáng tạo đã được mở ra nhiều trong thời gian qua nhưng thay đổi liên tục. Trong khi đó, không gian vật lý cực kỳ quan trọng tạo cảm hứng cho nghệ sĩ và thu hút khán giả tới thưởng thức tác phẩm, giới thiệu sản phẩm văn hóa...
“10 năm trước, nói đến sức mạnh mềm văn hóa không ai tin, nhưng điều này giờ đã thay đổi”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam bày tỏ và tin tưởng, với nhận thức về vai trò của văn hóa và sáng tạo, đặc biệt gần đây khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, việc ươm mầm ý tưởng, phát huy khả năng sáng tạo, đặc biệt là của người trẻ trong ứng dụng công nghệ vào xây dựng sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính ứng dụng cao sẽ được quan tâm hơn./.