Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nghề... săn muỗi và những "chiến lợi phẩm"

Thanh Hải - 17:45, 17/01/2021

Rất nhiều phương pháp đặt bẫy được thực nghiệm, trong đó có việc dùng chính thân mình làm mồi nhử. Nhưng không phải lúc nào muỗi cũng “cắn câu”. Săn muỗi nhưng phải đảm bảo muỗi hãy còn sống khỏe?!... Tôi đã có nguyên một đêm theo các bác sĩ ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật để “mắt thấy tai nghe” nghề đặc biệt ấy.


Săn muỗi trong chuồng trại gia súc
Săn muỗi trong chuồng trại gia súc

Trắng đêm… tìm muỗi

Bác sĩ CK1 khoa Kí sinh trùng - côn trùng thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh Đoàn Văn Thịnh kể: Mỗi năm, chúng tôi thực hiện hơn 30 cuộc "săn muỗi". Có những cuộc xuất phát khi xẩm tối và đến khi thu dọn đồ nghề cũng đã tờ mờ sáng.

Tôi còn đang ngạc nhiên trước cái nghề lạ hoắc ấy, bác sĩ Thịnh đã nói thêm, muỗi săn về phải đảm bảo sống, khỏe… và đó là ngân hàng dữ liệu rất đáng quý để CDC nghiên cứu các loại dịch bệnh liên quan đến vi rút, do kí sinh trùng từ muỗi gây nên. Có những cuộc đi săn muỗi xa hàng chục km, thậm chí cả hai chiều đi và về hơn 100km. Vất vả nhưng ai cũng háo hức.

Hành trang cho mỗi chuyến săn muỗi của những y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên CDC là những ống tuýp bằng thủy tinh, những gói bông gòn, đèn pin, đèn bắt muỗi cùng dây điện, ổ cắm…

Đoàn y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên CDC Hà Tĩnh trong một chuyến săn muỗi
Đoàn y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên CDC Hà Tĩnh trong một chuyến săn muỗi

Còn địa điểm săn muỗi mà khoa Kí sinh trùng-côn trùng của CDC thực hiện là chỗ ẩm thấp, chuồng gia súc, góc vườn rậm rạp nhiều cây cối… ở những xã miền núi vùng xa nằm phía Tây tỉnh Hà Tĩnh như Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Vũ Quang…

Hôm ấy, đoàn đã vượt quãng đường hàng chục km để đến xã Phú Gia thuộc huyện Hương Khê-một vùng đất xưa kia từng là nơi “lam sơn chướng khí”, rất nhiều muỗi. Sau khi hội ý nhanh về những phần việc sẽ thực hiện trong một đêm săn muỗi, đoàn 7 người, mỗi người một nhiệm vụ được phân công.

Tôi nhận thấy, để bắt được những con muỗi, những cán bộ, nhân viên CDC đã chuẩn bị các bước rất cầu kì, tỉ mỉ. Những chiếc đèn bẫy muỗi đã được giăng ra tại các góc vườn của Ban quản lí rừng phòng hộ Hương Khê. Liền sau đó, tất cả các bóng đèn trong nhà làm việc đồng loạt tắt ngóm. Mục đích cũng là để thu hút muỗi. Bác sĩ Thịnh nói: Mỗi chuyến đi săn, chúng tôi phải bằng mọi cách tóm được gần 100 con muỗi. Thực tế thì, không phải chuyến đi săn nào cũng đạt kế hoạch đề ra.

Thật không may, sau hơn 1 giờ vất vả ngồi rình, “chiến lợi phẩm” mà CDC thu về chẳng bỏ công. “Chắc phải dùng thêm cách khác thôi”, bác sĩ Trần Văn Hiền, phó khoa Kí sinh trùng-côn trùng CDC Hà Tĩnh nói to.

Sau khi cân nhắc, đoàn quyết định dời địa điểm săn muỗi đến những hộ dân gần đó. Trong khi một số người ra khu vực bờ sông “vạch áo cho” muỗi xem… lưng, bác sĩ Hiền cùng một vài người vào khu vực chuồng nuôi nhốt gia súc soi đèn tìm muỗi. Mỗi khi tìm thấy một con muỗi, họ lại dùng ống tuýp nhẹ nhàng úp gọn rồi dùng một bông gòn nút lại. Cứ thế, mỗi ống tuýp nhốt 3-5 chú muỗi. Những con muỗi giãy dụa, cào chân, đập cánh loạn xạ trong ống tuýp tìm cách thoát thân trong vô vọng.

Chuẩn bị đồ nghề săn muỗi
Chuẩn bị đồ nghề săn muỗi

Chị Trần Thị Phương tâm sự: Là phụ nữ, làm nhiệm vụ ban đêm nhiều khi bất tiện. Nhưng gia đình, chồng con thấu hiểu, chia sẻ nên cũng vơi bớt áp lực, khó khăn của công việc.

Gắp con muỗi trên bức vách chuồng trâu, bác sĩ Hiền trải lòng: Nhiều lúc đang lúi húi tìm muỗi trong chuồng gia súc, gặp con trâu bò trở chứng húc sau lưng khiến chúng tôi hoảng loạn bỏ chạy, ai cũng vừa sợ vừa buồn cười.

Trong suốt cuộc đi săn, tôi đã nghĩ rằng, việc dùng thân người làm mồi nhử muỗi hẳn sẽ rất hiệu quả. Nhưng bác sĩ Thịnh đã làm tôi chưng hửng: có bữa, vén áo hàng giờ liền, muỗi cũng chẳng thèm ngó.

Nếu như khoa Kí sinh trùng-côn trùng chủ yếu săn muỗi ở vùng miền núi xa xôi, thì khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm lại chỉ săn muỗi ở vùng đồng bằng. Bác sĩ CK1 Nguyễn Chí Trung thuộc CDC Hà Tĩnh giãi bày: Bọn mình đi săn muỗi gần hơn, muỗi chủ yếu sống trong lu nước, chỗ ẩm thấp, thậm chí là quần áo để trong nhà của các hộ dân.

“Ngân hàng muỗi sống rất quý”

Giám đốc, bác sĩ CK 1 CDC Hà Tĩnh Nguyễn Lương Tâm đã nói vậy. 

Bác sĩ Tâm trút bỏ nỗi niềm: Hiện tại, CDC đang nghiên cứu và tầm soát các dịch bệnh liên quan đến muỗi như, dịch sốt xuất huyết, dịch sốt rét. Đây là những dịch bệnh nguy hiểm, từng gây ra những cái chết đau lòng, từng gây ra những điểm dịch khiến chính quyền địa phương đau đầu trong việc tìm phương án xử lí.

Bác sĩ Tâm nhắc lại những năm tháng dịch sốt xuất huyết, dịch sốt rét hoành hành tại các địa phương như Kì Anh, Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn… Bác sĩ Tâm cho biết: sau một đêm săn muỗi, tất cả cơ số muỗi được đưa đến phòng thí nghiệm tại CDC Hà Tĩnh vào sáng hôm sau để nghiên cứu. Phòng Côn trùng, ký sinh trùng là nơi tiếp nhận “chiến lợi phẩm” của những đêm bắt muỗi.

Chúng tôi đã có nguyên nửa ngày ngồi chờ ở CDC để chứng kiến những y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên nơi đây dùng kẹp gắp cẩn thận những con muỗi từ ống tuýp, rồi soi dưới kính lúp. Những mẫu bệnh phẩm nếu thu giữ được từ các con muỗi sẽ được CDC lên kế hoạch tầm soát, phòng ngừa gắn với việc tuyên truyền, vận động người dân phòng tránh. Bác sĩ Tâm thông tin: Bệnh sốt rét đã được khống chế và đang tiến tới việc loại trừ. Tuy nhiên, công tác phòng chống sốt rét không được phép lơ là, chủ quan bởi nếu không phát hiện kịp thời, thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.

Nhiều vùng ở Hà Tĩnh như Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh trước đây là nơi “lam sơn chướng khí”, rất dễ nhiễm bệnh sốt rét, sốt xuất huyết nay đã được khống chế, loại trừ. Điều đó có ý nghĩa rất lớn, được đánh đổi bằng những đêm săn muỗi, từ những gian khổ, hi sinh của các y, bác sĩ trắng đêm phơi lưng nhử muỗi.

Khi đặt bút viết những dòng này, tôi chợt nghĩ rằng: không có nghề nào là không cao quý, nếu như nghề ấy đã, đang và sẽ giúp ích cho cộng đồng xã hội, dẫu chỉ là những điều nhỏ nhất.


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.