Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nghệ nhân, Người có uy tín Hù Cố Xuân - Niềm tự hào của người Si La

Hà Minh Hưng - 05:22, 03/05/2024

Bà được dân bản ví như cây gỗ lớn trong rừng già, khi già cất lời, ai cũng ưng cái bụng. Người Si La tự hào có bà, bà là chỗ dựa tinh thần, là nhịp nối hiệu triệu mọi người cùng hát vang bài ca “đại đoàn kết dân tộc”. Bà là Hù Cố Xuân, Nghệ nhân Ưu tú, Người có uy tín của dân tộc Si La ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Già bản Hù Cố Xuân (ngoài cùng bên trái) được vinh danh, biểu dương tại buổi Gặp mặt trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất năm 2023 tại Lai Châu
Già bản Hù Cố Xuân (ngoài cùng bên trái) được vinh danh, biểu dương tại buổi Gặp mặt trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất năm 2023 tại Lai Châu

“Cuộc cách mạng” vận động bà con Si La chuyển cư

Đón chúng tôi trong niềm phấn khởi, già bản Hù Cố Xuân, Người có uy tín trong cộng đồng người Si La ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè thông tin, bà và người dân trong bản mới đi tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc dưới 10 nghìn người ở thành phố Lai Châu về, đông vui lắm. Đi rồi mới thấy, cuộc sống của người Si La mình giờ đã tốt lên nhiều, chẳng thua kém gì các DTTS khác…

Chỉ mỗi việc cô Xuân đưa văn hóa truyền thống của người Si La hòa nhập với văn hóa các dân tộc trong cả nước, cũng đủ để người Si La ở Can Hồ tự hào và cảm phục”.

Ông Lý Chà Khe người dân xã Can Hồ

Câu chuyện tưởng chừng chỉ là xã giao ban đầu của bà Hù Cố Xuân, nhưng gợi lại một thời bà con Si La vượt sông Đà chuyển đến nơi ở mới. Khi đó là vào năm 2014, theo Chương trình tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu, người Si La phải nhường nơi ở đã gắn bó qua bao thế hệ vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc...

Cận kề ngày di chuyển mà bà con chưa chịu đi, cùng với đó là những câu chuyện thêu dệt, tuyên truyền như: “Đêm qua con hoẵng rừng về kêu thảm thiết, báo hiệu nếu đi là điềm gở…”. Có hộ còn mời thầy mo về cúng giải hạn xua đi những điều xấu, biết bao tin đồn làm cho bà con không có tâm trạng chuyển lên nơi tái định cư...

Chuyện người Si La còn do dự chưa yên tâm với cuộc sống tái định cư làm đau đầu các cấp chính quyền. Khi ấy, bằng tiếng nói của Người có uy tín, bà Hù Cố Xuân không ngại khó, hằng ngày đến từng nhà vận động, nói chuyện, phân giải cái hay, cái lợi khi ổn cư, cùng những ưu tiên, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho bà con dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Dần dần bà con cũng cảm thấy yên tâm và nghe theo. Tháng 11/2014, bà con người Si La bên kia sông Đà đã di chuyển an toàn đến nơi ở mới.

Khi có thời gian, già bản Hù Cố Xuân lại viết sách bảo tồn văn hóa Si La để lại cho hậu thế
Khi có thời gian, già bản Hù Cố Xuân lại viết sách bảo tồn văn hóa Si La để lại cho hậu thế

Truyền dạy di sản cho người Si La

Trong tâm tưởng mỗi người Si La ở Can Hồ, bà Xuân còn có rất nhiều đóng góp cho công tác dạy chữ và bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bà là cô giáo đầu tiên của người Si La và cũng là nghệ nhân Si La đầu tiên được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

“Chỉ mỗi việc cô Xuân đưa văn hóa truyền thống của người Si La hòa nhập với văn hóa các dân tộc trong cả nước, cũng đủ để người Si La ở Can Hồ tự hào và cảm phục”, ông Lý Chà Khe, người dân xã Can Hồ khẳng định.

Nghệ nhân Ưu tú Hù Cố Xuân, người kết nối, trao truyền và bảo tồn những làn điệu dân ca Si La cho thế hệ trẻ hôm nay
Nghệ nhân Ưu tú Hù Cố Xuân, người kết nối, trao truyền và bảo tồn những làn điệu dân ca Si La cho thế hệ trẻ hôm nay

Để bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của người Si La, bà Hù Cố Xuân ý thức phải truyền dạy cho chính đồng bào mình trước. Bà đi vận động, tập hợp lớp trẻ trong bản để truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, những truyền thống văn hóa, tập tục, tín ngưỡng… Để tiện cho lớp trẻ học tập, bà Xuân đã chuyển thể các phong tục trên thành các bài hát, các làn điệu dân ca, rồi cùng họ luyện tập diễn xướng.

Với tình yêu văn hóa, muốn giữ “hồn Si La” cho mai sau, mỗi khi rảnh rang, bà Xuân lại lặn lội hàng trăm ki-lô-mét ra thành phố phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật để cùng biên soạn, xuất bản nhiều công trình văn hóa có giá trị về người Si La ở Lai Châu. Một trong những phần thưởng mà bà Xuân nhận được sau nhiều tháng năm cống hiến cho dân tộc mình là bà vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Tin cùng chuyên mục
Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Phát triển không gian sinh hoạt chung của cộng đồng (Bài 3)

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Phát triển không gian sinh hoạt chung của cộng đồng (Bài 3)

Nhà văn hóa cộng đồng không chỉ là nơi hội họp sinh hoạt mà còn là không gian bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Việc thu thập thông tin về thực trạng nhà văn hóa ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, sẽ góp phần triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc về văn hóa hiện hành; đồng thời là một trong những cơ sở để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư ngày 27/11/2024.