Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghề kéo xăm

PV - 15:18, 31/07/2021

Dọc vùng biển bãi ngang huyện Gio Linh (Quảng Trị) có nghề kéo xăm đánh bắt thủy sản gần bờ. Nghề này không dùng máy móc, trang thiết bị hiện đại, mà chỉ cần 1 chiếc ghe lớn, 1 tấm lưới xăm rộng và sức của nhiều người cộng lại. Mặc dù là nghề thời vụ, mỗi năm chỉ kéo dài từ tháng 6 - 8 âm lịch, nhưng nghề này mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân bãi ngang.

Nghề kéo xăm không chỉ mang lại thu nhập cho ngư dân mà còn giúp họ thắt chặt tình đoàn kết
Nghề kéo xăm không chỉ mang lại thu nhập cho ngư dân mà còn giúp họ thắt chặt tình đoàn kết

4 giờ chiều, trên bãi biển xóm 1, thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang có 20 người đàn ông đang tất bật chuẩn bị ngư cụ cho chuyến kéo xăm. Họ phân chia công việc rất rõ ràng. Sau khi hợp sức đưa được chiếc ghe đội (thuyền nan dài và to, có thể chứa được khoảng 10 người) ra mép nước, 9 người leo lên ghe rồi chèo ra phía biển. Những người còn lại đợi trên bờ, giữ một đầu dây có đường kính bằng cổ tay người lớn, đầu bên kia được buộc vào ghe.

Chiếc ghe rẽ sóng lướt đi theo từng nhịp chèo. Có 5 người phụ trách điều khiển ghe, 1 người ở đuôi ghe giữ lái, 4 người còn lại chèo mạnh theo nhịp để ghe tiến lên phía trước. Trên chiếc ghe đội, không có bất cứ một máy móc, thiết bị kim khí nào. Tất cả quá trình đánh bắt đều được tiến hành thủ công bằng sức người. Khi ghe đến đoạn cách bờ khoảng 200m, phát hiện thấy ón (luồng) cá, họ chèo chầm chậm và bắt đầu thả xăm. Xăm là một loại lưới có mắt lưới nhỏ, hình chiếc phễu, dùng để đánh bắt những loại cá nhỏ như: Cá ruội, cá cơm, cá đục, cá ngạnh, cá đù... trong phạm vi đường kính từ 250 - 300m.

2 giờ sau, những người trên ghe thả xong tấm lưới xăm. Trong quá trình thả xăm, những người đàn ông trên bờ cũng đi bộ theo hướng ghe và kéo theo đầu dây nối với ghe. Khi hoàn tất công đoạn thả xăm, một đầu lưới xăm sẽ được ghe kéo vào bờ và đầu còn lại do những người trong bờ kéo. Trước lực cản của nước, việc kéo lưới thủ công khá tốn sức. Vì vậy, những người đàn ông trên bờ phải dùng thêm một cái thắt lưng buộc vào đoạn dây thừng để kéo xăm vào. Họ vừa giữ cho dây đi đúng hướng vừa đi giật lùi lên bờ cát. Chốc chốc, họ lại tiến tới phía trước, buộc thắt lưng vào dây rồi kéo xăm vào.

Nghề kéo xăm ra đời ở vùng biển bãi ngang huyện Gio Linh từ những năm 70 của thế kỷ XX. Trước đây, mỗi thôn có 1 Hợp tác xã, mỗi Hợp tác xã có nhiều đội, mỗi đội có 1 ghe, 1 ghe có 16 - 18 người. Sau này, nhận thấy mô hình Hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, nên các đội tự tách ra làm riêng. Từ đó, đời sống của ngư dân dần khấm khá hơn.

Sau khoảng 1 tiếng rưỡi, khi ghe vào cách bờ khoảng 20 - 30m thì ngư dân tiến hành “nậu”. Lúc này, trên ghe sẽ cử 2 người lặn giỏi nhảy xuống nước. 1 người lặn xuống đáy để dùng kẹp tre móc 2 đầu chì của xăm lại với nhau, người còn lại đè cho chì sát đáy biển, không để cá chui ra ngoài. Đây là công đoạn khó nhất, bởi nếu làm không đúng cách, cá sẽ chui ra khỏi lưới. Mất thêm 2 - 3 tiếng nữa để nậu xong lưới. Đáy xăm đã nặng cá, ngư dân tiến hành kéo xăm lên thuyền và di chuyển vào bờ. Số cá đánh bắt được sẽ chia đều, trong đó chủ ghe và 2 người lặn nậu sẽ được phần nhiều hơn.

Hiện nay, dọc vùng biển bãi ngang huyện Gio Linh có thôn Hà Lợi Trung và Cang Gián còn giữ nghề này. Trong đó, thôn Hà Lợi Trung còn 2 chiếc ghe đội. Mặc dù là nghề thời vụ, mỗi năm chỉ hoạt động từ tháng 6 - 8 âm lịch, nhưng ngư dân nơi đây có nguồn thu nhập khá từ kéo xăm. Có ghe may mắn trúng đậm 5 - 7 tấn cá trong 1 chuyến đánh bắt, thu được khoảng 8 triệu đồng. Số cá sau khi đánh bắt lên sẽ được bán cho các tiểu thương hoặc phơi khô, làm nước mắm nguyên chất.

Ngoài việc có thu nhập khá để trang trải cuộc sống, ngư dân nơi đây vẫn gìn giữ nghề kéo xăm bằng ghe đội bởi một lý do khác. Đó là nghề này giúp họ thắt chặt tình đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt thủy sản. Đây là truyền thống từ xa xưa của ông cha để lại và được lưu truyền từ đời này sang đời khác./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.