Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghề đan rọ tôm ở Bằng Cốc

Giang Lam - 14:25, 10/12/2019

Đã hàng chục năm qua, người dân thôn 8 Hợp Hòa, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã gắn bó với nghề đan rọ tôm. Mang tiếng là nghề phụ thế nhưng đan rọ tôm mang đến nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào Cao Lan nơi đây.

Bà Lâm Thị Thức, thôn 8 Hợp Hòa, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) cùng cháu gái đan rọ tôm
Bà Lâm Thị Thức, thôn 8 Hợp Hòa, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) cùng cháu gái đan rọ tôm

Theo bà Nịnh Thị Thanh, một trong những người đan rọ tôm đầu tiên ở thôn 8, xã Hợp Hòa, thì ngọn nguồn, gốc tích của nghề này là từ xã Xuân Lai thuộc huyện Yên Bình (Yên Bái). Bà Thanh kể, trước đây làng từng có một nghề tay trái, đó là đan mành cọ, nhưng do không tìm được đầu ra nên mai một dần. Biết người dân Xuân Lai ăn nên làm ra từ đan rọ tôm, người dân nơi đây đã sang học nghề và phát triển nghề từ đó.

Với nguồn nguyên liệu là cây giang, cây tế sẵn có tại địa phương, cả thôn hiện có 78 hộ thì có 58 hộ đan rọ tôm. Chúng tôi ghé thăm hộ anh Nịnh Thanh Bế. Hộ có 4 người thì tất cả nhà đều biết đan. Mỗi tuần cả nhà đan được 60 - 70 rọ, anh Bế chuyên vót nan, còn vợ con thì đan. Vào thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, vợ chồng anh đều mang rọ sang chợ Xuân Lai để bán. Rọ được bán theo xâu, mỗi xâu là 20 rọ, mỗi cái 4.000 đồng.

Anh Bế cho biết, nghề đan rọ tôm gắn bó với bà con trong xã như việc trồng lúa, trồng màu hay nuôi con gà, con lợn. Trồng cấy còn có thời vụ, nhưng đan rọ tôm thì quanh năm suốt tháng. Ngày nào họ cũng đan, trước khi ra đồng tranh thủ đan, ngồi xem truyền hình đan, mưa đan, nắng cũng đan… Vào những ngày nghỉ, nếu có 3 - 4 người tập trung đan rọ thì một ngày cũng có thể làm được 50 chiếc. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi tháng cũng thu 2,5 - 3 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm người dân nơi đây, đan rọ tôm không khó, nhưng cũng phải trải qua những công đoạn khá tỷ mỷ, cầu kỳ. Bà con tự vào rừng chặt nứa, lấy giang, tìm tế. Cây giang, cây nứa phải già, cây tế thì phải lấy đúng vụ. Giang nứa mà non hoặc vừa chớm bánh tẻ đan rọ sẽ bị ngót, tế già thì giòn, ảnh hưởng đến chất lượng rọ.

“Mỗi mình tôi một ngày đan được 10 cái rọ tôm. Trong quy trình đan thì khó nhất là đan cái hom, nan hom vót phải vừa mềm vừa dẻo. Người ta mua rọ chỉ xem cái hom thôi, chọc ngón tay vào miệng hom, nan hom không được cứng quá hoặc mềm quá. Đan hom phụ thuộc kinh nghiệm của mỗi người, cái khéo léo của người thợ là ở chỗ đấy”, bà Vương Thị Đức chia sẻ.

Rọ tôm Bằng Cốc có tiếng và khách mua đều khen là dễ đánh bắt được nhiều tôm, tép. Có đầu ra nên người dân đều hăng hái làm để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, theo Trưởng thôn Trần Ngọc In, điều trăn trở của bà con là nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Việc phát triển nguyên liệu để duy trì nghề đan rọ tôm là hết sức cần thiết. Hiện nay một số hộ cũng đã trồng cây giang, nứa, thôn cũng đang triển khai nhân rộng mô hình này bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu để phát triển lâu dài nghề đan rọ tôm.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.