Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ An: Nỗ lực để phủ kín dữ liệu đến mỗi công dân vùng đồng bào DTTS và miền núi

An Yên - 00:11, 10/03/2024

Dẫu đã đạt được nhiều kết quả nhưng việc “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) tại khu vực miền núi Nghệ An vẫn hiện hữu nhiều khó khăn. Nhiều giải pháp, biện pháp gỡ khó đang được tỉnh Nghệ An quyết liệt thực hiện để phủ kín dữ liệu đến tận mỗi công dân.

Địa bàn trải dài, giao thông cách trở, cùng với tập quán sinh hoạt và nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế… dẫn tới những khó khăn nhất định trong triển khai đề án 06 - Trong ảnh: Bản Chăm Puông xã Lượng Minh huyện Tương Dương
Địa bàn trải dài, giao thông cách trở cùng với tập quán sinh hoạt và nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế… dẫn tới những khó khăn nhất định trong triển khai Đề án 06 (Trong ảnh: Bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương)

Những khó khăn hiện hữu

Nghệ An có 11 huyện, thị khu vực miền núi, là nơi sinh sống của cộng đồng người DTTS Thái, Mông, Khơ mú, Ơ đu, Đan Lai… Địa bàn trải dài, giao thông cách trở, cùng với tập quán sinh hoạt và nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế… dẫn tới những khó khăn nhất định trong triển khai đề án 06.

Tại xã tái định cư Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương), do người dân di chuyển từ huyện Tương Dương trở về nên hồ sơ lưu trữ, thông tin cá nhân của mỗi người dân… là trở ngại lớn khi xác thực định danh điện tử. Thượng úy Ngô Xuân Duy, cán bộ Công an xã Ngọc Lâm chia sẻ: Đây là đề án mới nên nhiều lúc, nhận thức của cán bộ, Nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng dữ liệu dân cư, định danh điện tử còn nhiều bất cập. Tại khu vực miền núi, việc lưu trữ các giấy tờ gốc như: Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… trước đây còn chưa được quan tâm; nhiều trường hợp sai họ, sai tên, không thống nhất giấy tờ nên dữ liệu không trùng khớp. 

"Thực tế tại xã Ngọc Lâm có khoảng 100 người không còn tàng thư, hay mất tàng thư hộ tịch. Để hoàn thiện hồ sơ đối với những trường hợp này thì mỗi người mất tối đa 7 ngày để thực hiện xong, rất khó khăn cho lực lượng chuyên môn khi hoàn thiện dữ liệu dân cư. Bên cạnh đó, cũng tại xã Tái định cư Ngọc Lâm này có 5/6 bản chưa có mạng kết nối 3G nên việc kết nối, kích hoạt tài khoản VNeID còn gặp nhiều khó khăn. Máy móc, trang thiết bị tại xã cũng thiếu thốn, khó đáp ứng được nhu cầu thực hiện Đề án 06", Thượng úy Ngô Xuân Duy cho hay.

Câu chuyện như ở xã Ngọc Lâm cũng còn hiện hữu ở nhiều bản, làng khu vực miền núi Nghệ An…

Công an xã Ngọc Lâm cùng Đoàn xã xuống tận các bản làng tuyên truyền cho người dân kích hoạt định danh điện tử
Công an xã Ngọc Lâm cùng cán bộ Đoàn xã xuống tận các bản làng tuyên truyền cho người dân kích hoạt định danh điện tử

Thực tế hiện nay, khu vực miền núi Nghệ An còn có một bộ phận người dân đi xuất khẩu lao động chưa về nước để làm lại căn cước công dân và kích hoạt định danh điện tử nên, dữ liệu dân cư của nhóm người này đang bị ngắt quãng. Ảnh hưởng chung đến việc hoàn thiện dữ liệu trên nền tảng số. Phần lớn, người dân tại các địa bàn miền núi, nhất là người dân đồng bào DTTS không có điện thoại thông minh, thậm chí số điện thoại cũng không có, nên việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử nếu được hỗ trợ (được cán bộ hoặc người nhà giúp cài đặt tài khoản) cũng không phát huy hiệu quả vì không có máy điện thoại để cài các ứng dụng.

Mặt khác, còn có nhiều trường hợp người dân  khai sai thông tin bản thân, hoặc có thông tin sai lệch giữa giấy tờ, tài liệu hoặc không ghi nhớ các thông tin cá nhân, ảnh hưởng đến tiến độ làm sạch dữ liệu phục vụ cho Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các dữ liệu chuyên ngành khác, đồng thời gây khó khăn trong xử lý hồ sơ cấp căn cước công dân.

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh cho biết: Lực lượng làm công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an huyện chỉ có 9 cán bộ, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, còn thực hiện các mặt công tác khác, như quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...

"Huyện có 17/17 xã đặc biệt khó khăn, hầu hết là người DTTS, nên công tác cấp căn cước công dân, định danh điện tử còn nhiều khó khăn, nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu thực tiễn", Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết thêm.

Nỗ lực tháo gỡ

Nhìn nhận từ thực tế, sau 2 năm triển khai Đề án 06, Công an tỉnh Nghệ An là đơn vị chủ công luôn gương mẫu, đi đầu triển khai quyết liệt các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Lực lượng công an xuống tận thôn bản làm căn cước công dân cho người dân
Lực lượng Công an xuống tận thôn bản làm căn cước công dân cho người dân

Hiện nay, Nghệ An là 1 trong 14 địa phương trên cả nước hoàn thành sớm nhất việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Sau hai năm dồn toàn lực để triển khai thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp bước đầu đã được thụ hưởng những thành quả nhất định. Cơ sở dữ liệu về dân cư đã được ứng dụng vào thực hiện những nhiệm vụ trong các lĩnh vực khác nhau, nhất là trong nhiều dịch vụ công thiết yếu, giúp quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm và đạt hiệu quả nhiều mặt.

Trong đó, một số dịch vụ công đã triển khai đạt được những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ như: Đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, lưu trú; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; đăng ký, cấp biển số xe môtô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình… 

Đặc biệt, những lợi ích của Đề án 06 đã được áp dụng một cách có hiệu quả trong việc khám chữa bệnh của người dân; hay khi người dân đi làm các thủ tục hành chính tại Trung tâm giao dịch một cửa. Hiện nay, Công an tỉnh đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện toàn diện các giải pháp. 

Tuy nhiên, để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra của Đề án 06, trong thời gian tới cần phải có sự chung tay vào cuộc, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, cần có sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.

Cán bộ công an huyện Tương Dương xuống cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Đề án 06
Cán bộ Công an huyện Tương Dương đến các hộ dân tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Đề án 06

Ngoài lực lượng Công an các cấp đang tiếp tục ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hoàn tất việc cấp căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử, làm sạch dữ liệu dân cư…, thì tại nhiều sở, ngành cũng đã có những cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền thực hiện Đề án 06 như “Ngày thứ Ba không viết”, “Ngày thứ Bảy vì dân”, ngày hội chuyển đổi số; phong trào “Ngành Tư pháp với chuyển đổi số” và tổ chức các cuộc thi, đăng ký lưu động, phát động các đợt thi đua lấy tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến để trao thưởng…

Xác định Đề án 06, là đề án đặc biệt quan trọng của Chính phủ, có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng lớn tới đa ngành, đa lĩnh vực và tới tất cả các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, vì thế, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh Nghệ An đã tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Tỉnh uỷ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để thực hiện.

Theo đó, công tác tuyên truyền, tuyên truyền bằng nhiều cách vẫn được ưu tiên hàng đầu, trong triển khai Đề án 06. Cùng với đó là thực hiện hiệu quả việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt việc “làm sạch” dữ liệu và bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/CP, nhất là tại cấp xã. 

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao kỹ năng số, kỹ năng bảo mật thông tin trên môi trường mạng, thành thạo sử dụng công nghệ thông tin, nghiệp vụ phục vụ cho yêu cầu công việc và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến… Ưu tiên bố trí ngân sách đối với việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn…

Với sự chỉ đạo xuyên suốt, cùng sự chung tay vào cuộc quyết liệt, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tầng lớp nhân dân, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ về đích đúng tiến độ, đảm bảo các mục tiêu đề ra, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số của cả nước.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.