Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ An: Những tồn tại ở các công trình thủy điện bao giờ giải quyết dứt điểm?

An Yên - 11:49, 01/04/2023

Người dân vùng chịu ảnh hưởng hẳn đã rất ngán ngẩm mỗi khi phải nhắc tới cụm từ “dự án thủy điện”. Thực tế thì những vướng mắc, tồn tại chưa giải quyết trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An tựa như một “ung nhọt” cần phải được giải quyết dứt điểm, thay vì cứ rềnh ràng như nhiều năm qua.

Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ - Công trình thủy điện có công suất lớn nhất ở Nghệ An, nhưng cũng là công trình còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm
Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ - Công trình thủy điện có công suất lớn nhất ở Nghệ An, nhưng cũng là công trình còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm

Nhiều tồn tại lớn…

Các vướng mắc, tồn tại trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thủy điện là những nội dung lớn, liên quan đến nhiều sở, ngành, địa phương ở tỉnh Nghệ An và một số bộ, ngành ở Trung ương và đã kéo dài nhiều năm; trong đó, có những nội dung gây bức xúc kéo dài cho người dân thuộc diện tái định cư (TĐC).

Tại Dự án Thủy điện Bản Vẽ - một dự án lớn triển khai thực hiện từ năm 2007 tại Nghệ An. Công trình có công suất 320 MW chính thức phát điện, hòa vào mạng lưới điện quốc gia ngày 19/5/2010. Đã 16 năm trôi qua kể từ ngày Thủy điện Bản Vẽ khởi công ở huyện Tương Dương, nhưng đến nay Dự án vẫn còn tồn tại 7 vấn đề lớn.

Cụ thể, đó là vấn đề tồn tại trong công tác bàn giao mặt bằng công trường; bồi thường giá trị chênh lệch đất nơi đi và nơi đến cho các hộ TĐC tập trung; về việc lập hồ sơ bồi thường bổ sung phần diện tích đất thực tế bị ngập tại hai bản Con Phen xã Hữu Khuông và Xốp Cháo xã Lượng Minh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện bồi thường cho các hộ dân theo quy định; về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân bản Cà Moong - xã Lượng Minh, huyện Tương Dương; công tác trích đo, thành lập bản đồ địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với với đất sản xuất tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương; đối với các nội dung phát sinh ngoài quy định của Dự án và hỗ trợ khắc phục lũ lụt năm 2018; đối với đất trên cốt ngập của Dự án Thủy điện Bản Vẽ.

Người dân bên công trình nước bỏ hoang ở khu TĐC Pù Duộc xã Đồng Văn, Quế Phong – Một điểm TĐC di dời do ảnh hưởng của thủy điện Hủa Na
Người dân bên công trình nước bỏ hoang ở khu TĐC Pù Duộc xã Đồng Văn, Quế Phong – Một điểm TĐC di dời do ảnh hưởng của thủy điện Hủa Na

Đối với Dự án Thủy điện Hủa Na do Tập đoàn Sông Đà làm tổng thầu xây lắp, có công suất lắp máy 180 MW (bao gồm 2 tổ máy) được xây dựng tại xã Đồng Văn, huyện Quế Châu, tỉnh Nghệ An, sau 10 năm triển khai, vẫn chưa giải quyết xong những tồn tại.

Hiện nay, những vướng mắc ở Dự án này là công tác xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến; về công tác giao đất sản xuất nông nghiệp trồng cây hàng năm khác; về nội dung lập hồ sơ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho người dân tái định cư theo đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt để nhân dân khoanh nuôi, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng, hưởng các chính sách về dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ đối với diện tích rừng tự nhiên nằm ngoài diện tích được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; về nội dung giao nhận đất lúa nước; về nội dung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; về phương án nâng cấp tuyến đường vào khu đồng ruộng tập trung của điểm tái định cư Nậm Nui - Nậm Ke, xã Đồng Văn.

Đứng thứ 3 về dự án thủy điện ở Nghệ An là Thủy điện Khe Bố tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương, có thiết kế sản lượng điện trung bình hằng năm của nhà máy đạt hơn 440 triệu KWh. Cũng giống như hai dự án thủy điện đàn anh kể trên, Thủy điện Khe Bố cũng đang còn nhiều tồn tại. Đó là, những vấn đề như công tác lập hồ sơ bù trừ chênh lệch nơi đi nơi đến; rà soát các thửa đất bị ảnh hưởng, nhưng chưa được bồi thường hỗ trợ về đất; lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất đối với các thửa đất chưa được đo đạc và có sai lệch do thay đổi đường viền lòng hồ sau khi tích nước; đo đạc địa chính phục vụ lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ảnh hưởng một phần diện tích ngập lòng hồ thủy điện Khe Bố...

Ông Vi Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Tam Đình, huyện Tương Dương cho biết: Địa phương có 4 bản phía bên kia sông chịu ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Khe Bố là Đình Hương, Đình Thắng, Đình Tiến, Đình Phong. Năm nào dân cũng kêu, nhưng kêu nhiều nhất là hội nghị tiếp xúc cử tri và các kỳ họp HĐND. Địa phương rất đau đầu, nhưng những vấn đề này không thuộc quyền giải quyết của xã. Chúng tôi chỉ biết hứa với dân là tiếp thu và đề nghị lên huyện, lên chủ đầu tư giải quyết.

Phải giải quyết dứt điểm

Trước những tồn tại, vướng mắc dai dẳng từ các dự án thủy điện, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC các dự án Thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố; trong cuộc làm việc với các ban ngành liên quan và các chủ đầu tư các dự án thuỷ điện mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã có ý kiến chỉ đạo cần phải giải quyết nhanh những vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ TĐC các dự án thủy điện này.

Thủy điện Khe Bố cũng đang còn nhiều tồn tại chưa giải quyết trong công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC
Thủy điện Khe Bố cũng đang còn nhiều tồn tại chưa giải quyết trong công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho rằng: Những vấn đề tồn tại, vướng mắc này không phải là vấn đề mới phát sinh, mà quan trọng bây giờ là đôn đốc các bên liên quan thực hiện nhanh, chứ không có nội dung vướng mắc mới…

Ông Vinh cũng lưu ý cần chi trả kịp thời tiền bồi thường hỗ trợ, bảo đảm đủ quỹ đất ở, đất sản xuất giao cho hộ tái định cư; lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án sản xuất bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững; đầu tư xây dựng hoàn thành dứt điểm công trình kết cấu hạ tầng, trong đó, ưu tiên thực hiện trước công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, giao thông... tại các điểm TĐC; bàn giao, quản lý sử dụng các công trình xây dựng theo đúng quy định.

Về việc giao trách nhiệm để giải quyết dứt điểm, ông Vinh đề nghị chủ đầu tư dự án thủy điện, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Nghệ An và UBND các huyện Tương Dương, Thanh Chương, Quế Phong (chủ đầu tư dự án thành phần về di dân, TĐC) phải tập trung thực hiện hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ và TĐC theo đúng tiến độ.

Đối với các sở, ngành liên quan như sở Công Thương, Tài Nguyên Môi trường, Xây dựng cùng các huyện Tương Dương, Thanh Chương, Phó Chủ tịch UVND tỉnh yêu cầu chỉ đạo chủ đầu tư dự án phải tập trung thực hiện để hoàn thành đúng tiến độ về bồi thường, hỗ trợ và TĐC.

Hiện nay, việc bồi thường chênh lệch nơi đi - nơi đến; các bên liên quan cần lưu ý rà soát lại quỹ đất tại các khu, điểm TĐC để bố trí đủ đất ở, đất sản xuất cho hộ TĐC theo chính sách được duyệt; rà soát dự án thành phần theo quy hoạch được duyệt nhưng chưa thực hiện đầu tư xây dựng; bổ sung dự án thành phần có trong chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC nhưng chưa có danh mục trong quy hoạch khu, điểm tái định cư và bố trí kinh phí để thực hiện số dự án này...

Ông Vinh nhấn mạnh: Mục tiêu trong năm là phải giải quyết lần lượt các nội dung tồn tại, phải có tổ chức kiểm tra rà soát hồ sơ vấn đề của các nhà máy thủy điện. Đồng thời, thành lập tổ công tác đôn đốc vấn đề tồn tại

Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cũng lưu ý các sở, ngành liên quan, UBND các huyện có dự án di dân, TĐC phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư dự án thủy điện để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ và TĐC nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.