Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ An: Ngày nắng nóng, người dân đi cấy lúa ban đêm

Minh Nhật - 08:34, 25/06/2024

Do nắng nóng kéo dài, để vừa kịp thời gian vụ mùa, vừa đảm bảo cho sức khỏe, bà con nông dân vùng cao Nghệ An đã chọn phương pháp cấy lúa vào ban đêm để tránh nắng.

Để đủ ánh sáng cho việc cấy lúa, người nông dân vùng cao đã dùng bóng tích điện và đèn pin.
Để đủ ánh sáng cho việc cấy lúa, người nông dân vùng cao đã dùng bóng tích điện và đèn pin

Cứ vào thời điểm nắng nóng, người dân vùng cao Nghệ An lại chọn phương pháp “đội đèn” xuống đồng cấy lúa đêm để tránh nắng, thay vì cấy ban ngày như trước đây.

Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu được đa phần người nông dân vùng cao lựa chọn như một sự ứng phó năng động, sáng tạo trước tình hình nắng hạn gay gắt “như thiêu như đốt” trên diện rộng trong thời gian qua. Với cách làm này, không chỉ giúp kịp thời vụ, tránh được nắng mà còn giúp lúa sinh trưởng tốt hơn.

Chị Lô Thị Hương, ở bản Lũng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, cho biết: Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, duy trì nền nhiệt cao, để kịp thời vụ, không chỉ có gia đình chúng tôi mà nhiều gia đình khác trong bản đã xuống đồng vào ban đêm để cấy lúa. Ban ngày, chúng tôi tranh thủ đi nhổ mạ, chiều đến ăn cơm sớm để khoảng hơn 17 giờ là bắt đầu ra đồng cấy, đến khoảng 22 - 23 giờ là về.

Khung cảnh ban đêm trên cánh đồng của người nông dân vùng cao Nghệ An.
Khung cảnh ban đêm trên cánh đồng của người nông dân vùng cao Nghệ An.

Cách thửa ruộng của gia đình chị Hương không xa, là thửa ruộng của gia đình chị Lương Thị Oanh. Chị Oanh chia sẻ: Với thời tiết nắng nóng như mấy ngày vừa qua, nếu ban ngày đi cấy thì cũng chỉ cấy được tầm 2 giờ đồng hồ là phải về. Do quá nắng và nóng nên gia đình tôi chọn giải pháp là cấy ban đêm, vì lúc này thời tiết mát mẻ hơn nhiều nên hiệu quả công việc cũng cao hơn. Không chỉ vậy, còn giúp lúa sinh trưởng tốt hơn lại còn đảm bảo sức khỏe.

“Do nhân lực ngày càng ít vì lớp trẻ ra Bắc, vào Nam đi làm công ty, trong khi lịch thời vụ gấp gáp, nhiều gia đình đã phải thuê thêm lao động. Nhiều người dân tranh thủ công việc đồng áng của nhà đã xong đi cấy thuê kiếm thêm thu nhập”, chị Oanh cho biết thêm.

Ông Quang Văn Thủy, ở bản Lũng, xã Tam Thái tâm sự, khi trời bắt đầu nhá nhem tối là gia đình ông ra đồng, đến khoảng 23 giờ thì nghỉ. Ngày mùa, thời tiết lại nắng nóng nên giờ giấc sinh hoạt cũng bị đảo lộn.

Không riêng gì gia đình ông, mà hầu hết nông dân trong bản, trong xã đều chọn cấy đêm để tránh nắng nóng. Cấy đêm vừa đỡ bị nắng nóng, kịp nước về, cây mạ cũng phát triển tốt hơn, bám rễ nhanh và tươi hơn, bởi nước và bùn đã dịu bớt nhiệt....

Ai nấy đều rất khẩn trương để kịp thời vụ
Ai nấy đều rất khẩn trương để kịp thời vụ

Được biết, không chỉ có người nông dân ở xã Tam Thái mà rất nhiều nông dân ở các địa phương khác trên địa bàn huyện Tương Dương đêm đến cũng “đội đèn” xuống đồng cấy lúa, nhổ mạ, như ở thị trấn Thạch Giám, xã Tam Đình, Tam Quang...

Với khí thế tích cực, chủ động của bà con nông dân vùng cao, vụ Hè Thu năm nay của bà con nông dân huyện Tương Dương sẽ đảm bảo sản xuất theo đúng kế hoạch, tạo tiền đề cho một vụ mùa bội thu.


Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.