Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nghệ An: Đẩy mạnh phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng DTTS

Đức Bình - 09:09, 07/12/2023

Nhờ nguồn kinh phí thực hiện Dự án 7 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) mà từ năm 2022 trở lại đây, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đã và đang đạt được những bước tiến mới.

Cán bộ y tế tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ tại xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu
Cán bộ y tế tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ tại xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu

Nậm Tốt là bản sâu và xa nhất của xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong có 23 trẻ trong độ tuổi 3-5 tuổi thì cả 23 trẻ đều xanh xao, thấp nhỏ hơn trẻ cùng độ tuổi những vùng miền khác.

Cô giáo Vi Thị Tình, điểm trường mầm non Nậm Tột chia sẻ: Phần đa cặp lồng cơm các con mang đến lớp ăn trưa chỉ có cơm với bí, su su luộc hoặc măng, cà xào mỡ; họa hoằn lắm mới có thêm miếng thịt, quả trứng hoặc con cá mắm…

Chị Vi Thị Nhưn, ở xã Lượng Minh, huyên Tương Dương có 2 con bị suy dinh dưỡng. Cả 2 đứa con đều cai sữa lúc 3 tháng. Cuộc sống khó khăn, lúc chị sinh đứa thứ 2 được hơn 1 tháng thì vợ chồng lại lên núi làm rẫy kiếm ăn. Đứa đầu 9 tuổi ở nhà chăm đứa thứ 2. Bữa cơm của hai anh em chỉ có cơm hoặc khoai.

Nghệ An có 11/21 huyện, thị xã miền núi, với 252 xã, thị trấn miền núi. Trong đó có 107 xã và 1.188 thôn, bản đặc biệt khó khăn; 27 xã tiếp giáp với nước bạn Lào với chiều dài biên giới là 468 km.

Ở những vùng núi cao, do điều kiện kinh tế khó khăn nên đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS còn thiếu thốn, nghèo đói. Vì vậy, rất nhiều trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng các thể thấp còi và nhẹ cân.

Những đứa trẻ ở miền núi cao vẫn thường bị cai sữa sớm, thiếu dinh dưỡng. Điều này sẽ khiến kháng thể của trẻ kém và còi cọc. Nhiều trẻ bị rụng tóc sau gáy, 7-8 tháng tuổi nhưng chỉ 5-6 kg. Đây là một vấn đề rất đáng lo, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi sau này.

Thực hiện tiêm chủng và cho trẻ uống vitamin A đúng lịch, đủ liệu trình sẽ góp phần quan trọng ngăn ngừa suy dinh dưỡng vi chất, ngăn ngừa hiệu quả các bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ
Thực hiện tiêm chủng và cho trẻ uống vitamin A đúng lịch, đủ liệu trình sẽ góp phần quan trọng ngăn ngừa suy dinh dưỡng vi chất, ngăn ngừa hiệu quả các bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ

Bác sĩ Trần Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho biết: Ở miền núi, tỷ lệ trẻ suy sinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao là do đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhận thức của người dân hạn chế, chưa quan tâm đến chế độ dinh dưỡng. Cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con. Rồi do phong tục, tập quán của đồng bào từ xa xưa thiếu khoa học như cho trẻ ăn dặm sớm, ăn không đúng cách, mẹ nhai dặm cho con, ăn rau củ quả nhưng không nhiều, không đều…

Ở Nghệ An, những năm qua, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em đã được chú trọng. Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng như mở các lớp học làm bố, làm mẹ; các lớp thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 5 tuổi; bổ sung vitamin A cho trẻ; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em đều khắp từ tỉnh đến các thôn, bản...

Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Nghệ An còn cao hơn từ 3% trở lên so với tỷ lệ trung bình chung. Chênh lệch chỉ số suy dinh dưỡng giữa các vùng miền còn lớn. Nghệ An vẫn nằm trong nhóm 22 tỉnh có tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao của cả nước.

Từ năm 2022, thực hiện Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 – 2030, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 749/KH-UBND ngày 27/10/2022 về hành động phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phát triển đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng ở thôn bản là một trong nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng DTTS
Phát triển đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng ở thôn bản là một trong nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng DTTS

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: Từ nguồn kinh phí Dự án 7 Chương trình MTQG 1719, các cơ quan và địa phương đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực, như: tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế/người cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; tuyên truyền, vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, hỗ trợ cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ; triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời; củng cố và hoàn thiện mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở thôn, bản miền núi, vùng đồng bào DTTS.v.v…

Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đảm bảo bền vững, ngoài sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng. Trong đó, mục tiêu để các hộ gia đình cần tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm lành mạnh phục vụ bữa ăn gia đình; phát triển trồng cây công nghiệp sản xuất hàng hóa, vừa đáp ứng thực phẩm bổ sung cho bữa ăn; tăng cường hơn nữa các giải pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.