Cải cách hành chính - nhìn từ huyện nghèo nhất xứ Nghệ
Việc áp dụng công nghệ thông tin vào công việc tại các cơ quan công sở ở các huyện vùng cao có hiệu quả đặc biệt to lớn. Tại huyện Kỳ Sơn là một ví dụ. Địa bàn cách trở, dân cư ở rải rác… nên việc xây dựng chính quyền số, điều hành online qua các nhóm trao đổi trực tuyến, qua mạng xã hội, qua hệ thống văn bản IOffice đã giúp rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian trong việc đưa chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.
Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe chia sẻ: Nhiều năm nay, công tác tuyên giáo đều triển khai họp trực tuyến. Các báo cáo viên chỉ cần ở tại địa phương, cách xa thị trấn hơn 70km, vẫn dự họp bình thường.
Ngoài chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành, thì công nghệ số cũng lần đầu tiên giúp đồng bào các dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái ở Kỳ Sơn thuận lợi đủ đường. Nói như Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý - ông Lương Văn Bảy là: Ngồi ở nhà cũng có thể làm thủ tục giấy tờ như đăng ký khai sinh, kết hôn, nộp học phí cho con… So với làm trực tiếp, đi xe máy hàng chục km đường rừng như trước, là rất khỏe và thuận lợi.
Công nghệ số đang làm thay đổi cuộc sống của người dân miền biên viễn Kỳ Sơn. Cứ nhìn vào các cấp hội phụ nữ nơi đây, thì càng minh chứng chắc chắn thêm điều ấy. Công nghệ thông tin gắn với chiếc điện thoại thông minh đã làm thay đổi suy nghĩ của phụ nữ vùng sâu, vùng xa nơi đây, bởi đã giúp hội gắn kết, tập hợp được đông thành viên, khuyến khích được chị em tham gia công tác hội hiệu quả.
Bà Vũ Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Sơn thông tin: Từ khi ứng dụng công nghệ số, công tác tuyên truyền, vận động nhờ có mạng xã hội, có công nghệ thông tin mà mọi nội dung triển khai đều “đến tận tay” mỗi hội viên dù họ đang ở trên nương rẫy, thậm chí đang ở nước bạn Lào thăm thân. Còn thông báo mời dự họp, triển khai các nội dung công tác đến rà soát chế độ, chính sách… đều được thực hiện qua các nhóm mạng xã hội, nên rất thuận tiện.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tính đến tháng 6/2024, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, huyện Kỳ Sơn đã thực hiện 100% thủ tục hành chính thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến công như: Đăng ký thường trú, tạm trú; đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, nộp học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…
Hiện nay, hầu hết các huyện miền núi đã triển khai khá đồng bộ Kế hoạch chuyển đổi số theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 và theo kế hoạch của tỉnh, ưu tiên đầu tư lắp đặt hệ thống văn bản điện tử và họp trực tuyến đến 100% các xã.
Ông Võ Trọng Phú, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An trao đổi: Chuyển đổi số là phương thức duy nhất để phát triển và triển khai hiệu quả trong thời đại 4.0 hiện nay. Thực tế thì, công nghệ số đang phát huy hiệu quả tích. Dù ở các bản làng vùng sâu, vùng xa nhưng chính quyền online, chính quyền điện tử vẫn phủ sóng, để công nghệ số đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn.
“Nối dài cánh tay” đến tận thôn bản
Thực hiện nội dung chuyển đổi số của tỉnh, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thì cán bộ các địa phương đã phải đi tận ngõ, hướng dẫn người dân các thao tác, cách ứng dụng công nghệ số.
Câu chuyện ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương là một ví dụ. Theo đó, từ năm 2023, 6 tổ công nghệ số cộng đồng tại xã này được thành lập ở các bản, kết hợp cùng tổ công nghệ số cộng đồng của xã để phối hợp thực hiện.
Ông Lô Văn Vọng, Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng bản Mà, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) cho biết: Chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng và cài đặt một số ứng dụng cơ bản, là các phần mềm về thanh toán không dùng tiền mặt, Zalo, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công...
Mưa dầm thấm lâu, bất kể nắng mưa, bất kể giờ giấc… công cuộc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trên các bản làng xã Ngọc Lâm, xuất phát từ những kiên trì, nhẫn nại của các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các bản.
Ở bản Sa Lầy, xã Mường Lống (Kỳ Sơn), tổ công nghệ số cộng đồng của bản cũng hoạt động có hiệu quả trong việc hướng dẫn bà con cách cài đặt các ứng dụng số. Ông Xồng Bá Lữ, Trưởng bản Sa Lầy kiêm Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng cho hay: Bà con đã dần hiểu được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống; vì có rất nhiều thủ tục hành chính bây giờ đều giao dịch qua máy móc. Nhưng để bà con sử dụng thành thạo thì cán bộ vất vả lắm, vì phải hướng dẫn rất nhiều lần.
Được ví như “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương miền núi đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số ngay ở cấp cơ sở. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Trọng Phú nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại cơ sở, nhất là các địa phương miền núi. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.
Theo Kế hoạch số 1004/KH-UBND ngày 19/12/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện chuyển đổi số năm 2024; thì mục tiêu về kinh tế số chiếm khoảng 10% GRDP, phấn đấu 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác…