Sáng nay (28/1), Đại hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận các Văn kiện Đại hội. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, điều hành nội dung thảo luận. Đại hội đã nghe tham luận của Đoàn đại biểu: Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tỉnh Bến Tre, Quảng Ninh, Yên Bái, TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng,...
Tại phiên làm việc, các đại biểu tham luận, phân tích, làm rõ các nội dung về đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng bào DTTS; giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên trong thanh niên; phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương...
Trong tham luận "Phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng DTTS” do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy trình bày nêu rõ: Giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo và các đội tượng chính sách xã hội là một chủ trương lớn, xuyên suốt, là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; kết quả xóa đói, giảm nghèo là một trong những thành quả nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của đất nước.
Theo ông Duy, cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với rất nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả điều tra hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 32,21%, cao thứ 6 toàn quốc; trong đó phần lớn tập trung tại các địa bàn vùng cao, vùng có đông đồng bào DTTS, riêng tại 2 huyện 30a đều có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%, thuộc vào nhóm các huyện nghèo nhất cả nước.
Ông Duy cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là ở khu vực đồng bào DTTS và miền núi, đó là: địa hình đồi núi chia cắt mạnh, thường xuyên chịu tác động của thiên tai; hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; diện tích đất canh tác hạn chế, người dân còn thiếu tư liệu sản xuất; trình độ dân trí không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật; đồng bào dân tộc còn nhiều hủ tục, tập quán, thói quen canh tác lạc hậu; hệ thống cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Bên cạnh đó, tư duy, nhận thức và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền trong công tác giảm nghèo còn hạn chế, bất cập; một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không có ý chí vươn lên thoát nghèo", ông Duy cho biết.
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kết quả giảm nghèo của tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ qua đã đạt được kết quả rất tích cực. Hết năm 2020, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04%; cả giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,03%/năm; riêng tại 2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước
Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, để có được kết quả này, nhiệm kỳ qua Yên Bái đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực, sáng tạo. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong từng năm theo phương châm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”.
"Tỉnh ủy giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng huyện, thị, thành phố; đồng thời, phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp cấp tỉnh phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương để trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ từ 20-50 hộ nghèo/năm (có địa chỉ cụ thể) tại các xã đặc biệt khó khăn mà cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó được phân công hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên. Từ đó mang lại hiệu quả rất rõ nét", ông Duy chia sẻ.
Trong tham luận "Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, xây dựng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre trình bày có nêu: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng diện tích 3,94 triệu ha, dân số 17,5 triệu người (trong đó là đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ khoảng 8% dân số toàn vùng; chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 85,71% tổng dân số là người DTTS trong vùng - Pv). Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu cả nước...
Ông Mãi cho rằng, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Nhưng hiện các tỉnh khu vực BĐSCL phải đối mặt với nhiều khó khăn, dẫn đến tụt hậu về nhiều mặt so với khu vực phía Nam và bình quân chung cả nước do đang tồn tại nhiều “nút thắt” cản trở sự đi lên của vùng, trong đó có tác động của biến đổi khí hậu.
Theo ông Mãi, trong giai đoạn phát triển 2021-2030 và các thời kỳ tiếp theo, ĐBSCL phát triển dựa trên khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển theo hướng đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với thực tiễn, lấy tri thức khoa học - công nghệ làm nền tảng. Các giải pháp đưa ra cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối nội vùng và liên vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp ứng phó với BĐKH tại vùng ĐBSCL đã được đề ra.
"Rất mong các bộ, ngành chức năng của Trung ương xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, sớm đưa vào triển khai thực hiện, tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng. Trong đó, chúng tôi đề nghị quan tâm phát triển hành lang kinh tế ven biển, mở ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL, từ đó cấu trúc lại không gian hiện hữu để ĐBSCL thật sự là nơi đáng sống và thịnh vượng trong điều kiện biến đổi khí hậu", ông Mãi đề nghị.
Buổi chiều, Đại hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Các đại biểu thảo luận và biểu quyết về số lượng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Sau đó, các đại biểu làm việc tại đoàn, thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
(Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục cập nhật)