Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu nhấn mạnh: Trong những năm qua, toàn ngành Tư pháp đã khắc phục những thách thức, khó khăn, kịp thời tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp trong phản ứng chính sách, cung cấp ý kiến pháp lý ứng phó với các vấn đề mới phát sinh trong quá trình điều hành, phát triển kinh tế-xã hội.
Các Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là "người gác cổng" về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị địa phương, từng bước tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và hoàn thiện khá toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực.
Các lĩnh vực truyền thống của bộ, ngành tư pháp (xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật) tiếp tục được thực hiện bài bản, nền nếp, đồng bộ và ngày càng hiệu quả, sát thực tiễn hơn. Nhiều địa phương đã tham mưu nhiều mô hình mới, cách làm hay, linh hoạt và đạt kết quả cao.
Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, nhất là lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi tiếp tục được chú trọng và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục được tăng cường, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa, phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Vai trò, tính chuyên nghiệp của trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn chỉ rõ một số mặt công tác vẫn còn những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các đại biểu, sở, ngành tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó lưu ý lồng ghép thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành tư pháp được giao.
Tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế phục vụ phát triển kinh tế, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh tại từng địa phương. Chú trọng thực hiện truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản, nhất là tại các địa phương phát hiện nhiều văn bản trái quy định của pháp luật; xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội.
Đẩy mạnh quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhạy cảm, phức tạp.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả, đúng thời hạn các nhiệm vụ của Đề án 06/QĐ-TTg; tập trung nguồn lực xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, bảo đảm kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó lưu ý vai trò, tầm quan trọng của dữ liệu hộ tịch trong việc cung cấp thông tin đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi, tăng cường xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm thông tin lý lịch tư pháp luôn được cập nhật đầy đủ, kịp thời.
Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các Sở Tư pháp cần tích cực tham mưu cho tỉnh quan tâm kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Phòng Tư pháp và công chức tư pháp-Hộ tịch cấp xã nhằm chuẩn hóa đội ngũ này theo quy định của Luật Hộ tịch.
Tập trung nguồn lực để đẩy mạnh việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành tư pháp; tiếp tục duy trì, chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành tư pháp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bộ, Cổng Dịch vụ công của các địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận và biểu dương thành tích ngành Tư pháp đạt được trong năm 2022. Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã được ngành Tư pháp đề ra trong năm 2023, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu lực, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Đồng thời, tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.