Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi sau lũ

Trọng Bảo - 10:31, 04/10/2024

Sau mưa lũ, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã và đang khẩn trương vệ sinh chuồng trại; bảo đảm an toàn trước khi tái đàn khôi phục sản xuất.

Ông Thắng tăng cường vệ sinh khử trùng chuồng trại sau mưa lũ
Ông Thắng tăng cường vệ sinh khử trùng chuồng trại sau mưa lũ

Những ngày qua, cả gia đình ông Hồ Văn Thắng ở thôn An Quang, xã Quang Kim, huyện Bát Xát tập trung dọn dẹp vệ sinh khu chuồng chăn nuôi của gia đình, để đưa đàn lợn trở lại do đã được di chuyển tạm lên đồi tránh lũ trước đó.

Ông Thắng chia sẻ: Mưa lũ khủng khiếp quá, lũ về rất nhanh, may mà gia đình còn chạy kịp đàn lợn di chuyển lên trên đồi; chỉ thiệt hại khoảng gần 20 con lợn con mới đẻ do không chạy kịp. Nói chung cũng còn may mắn hơn nhiều hộ trong thôn. Lũ đi qua, cả khu chuồng trại của gia đình bùn dày hàng mét, mất mấy ngày mới dọn hết. 

"Sau khi dọn xong bùn đất, tôi xịt rửa và rắc vôi bột chưa tôi, phun khử khuẩn nhiều lần trước khi lùa đàn lợn trở về chuồng, vì nước lũ mang mầm bệnh, xác động vật kèm bùn đất, nguy cơ bùng phát dịch rất cao nếu không vệ sinh kỹ càng", ông Thắng cho hay.

Cùng theo ông Thắng, gia đình sẽ thả thêm khoảng 40 con lợn để nuôi gối, tăng đàn từ 80 lên 120 con. Sau khoảng 3 tháng nữa, đúng dịp cuối năm, trang trại có để cung ứng ra thị trường lứa lợn đầu tiên sau mưa lũ.

Sau mưa lũ, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất cao, kể cả những nơi bị ngập nhẹ. Để bảo đảm an toàn cho hơn 1.000 con gà, ngan, vịt của gia đình; những ngày qua ông Nguyễn Duy Đễ ở tổ 1, thị trấn Bát Xát thường xuyên khử trùng, rắc vôi bột, tiêm đủ liều vacxin cho đàn gia cầm.

Ông Đễ cho biết, khu vực thị trấn Bát Xát không bị ngập úng nặng nhưng sau mưa lũ độ ẩm cao tạo môi trường thuận lợi bùng phát dịch bệnh. Gia cầm thời điểm này dễ nhiễm bệnh đường ruột, tiêu chảy… Chình vì vậy, công tác khử trùng thường xuyên là rất quan trọng. Sau khi bảo đảm an toàn, ông sẽ vào gần 1.000 con gia cầm các loại để bán vào dịp Tết; vịt thì 2 tháng, gà và ngan 3 tháng 10 ngày là có thể xuất bán.

 "Hiện nay, nguồn cung cấp giống hạn chế, giá tăng khoảng 2.000 đồng mỗi con giống. Gà mái khoảng 7.000 đồng/con, gà đực khoảng 15.000 đồng/con, vịt khoảng 13.000 - 15.000 đồng/con... nên chắc chắn lợi nhuận sẽ không được như các lứa khác, nhưng vẫn phải chăn nuôi vì bà con nông dân chúng tôi mà để chuồng không ngày nào là sốt ruột ngày đó”, ông Đễ chia sẻ.

Trước thiệt hại của bà con nông dân và việc nóng lòng tái đàn cho kịp thời điểm cuối năm, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở thường xuyên xuống nắm bắt tình hình dịch bệnh tại địa phương, phát thuốc khử trùng, hướng dẫn người dân khử trùng diện rộng, phun xung quanh chuồng trại, trên mái nhà, nền chuồng, hố phân, tường và đường đi lại… làm sạch môi trường, trước khi tái đàn. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Bát Xát chưa xuất hiện hiện tượng nào đáng nghi ngại về bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Theo ông Đào Văn Tâm, Phụ trách Trạm Thú y huyện Bát Xát, việc khôi phục sản xuất, tái đàn để bảo đảm nguồn cung về thực phẩm vào dịp Tết là cần thiết; đồng thời cũng là duy trì sinh kế cho bà con nông dân. Trạm cũng đã khuyến cáo bà con gia cố chuồng trại, bảo đảm che nắng, che mưa, thoáng mát và tránh gió lùa. Thu gom rác thải, các chất độn chuồng, xác chết động vật phải được chôn lấp theo quy định. Bên cạnh đó, tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên, sát trùng chuồng trại bằng vôi bột hoặc chế phẩm sinh học. 

"Khi vào đàn, vật nuôi phải được tiêm vacxin đầy đủ và bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi đảm bảo sức đề kháng để vật nuôi sinh trưởng phát triển”, ông Đào Văn Tâm, khuyến cáo thêm.

Cán bộ thú y cơ sở hướng dẫn bà con sử dụng hóa chất khử trùng chuồng trại sau mưa lũ
Cán bộ thú y cơ sở hướng dẫn bà con sử dụng hóa chất khử trùng chuồng trại sau mưa lũ

Theo thống kê, trận mưa lũ lịch sử vừa qua, đã làm hơn 60.000 gia súc, gia cầm các loại trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị chết; trong đó có nhiều vật nuôi có giá trị như trâu, bò, lợn, dê, cừu… Cùng với đó là hơn 1.000 chuồng trại của bà con bị hư hỏng gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Chăn nuôi của địa phương.

So với nhiều tỉnh, thành khác thì ngành Chăn nuôi Lào Cai thiệt hại không quá lớn nhưng vẫn ảnh hưởng đời sống người chăn nuôi và cung cầu thị trường. Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo 9 trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, kiểm kê, đánh giá và tổ chức khử khuẩn. Đến nay, Chi cục cũng đã cấp phát gần 20 tấn hóa chất cho bà con nông dân; 152/152 xã, phường đã tiến hành khử khuẩn. 

"Khó khăn hiện nay là kế hoạch của tỉnh Lào Cai mới chỉ cấp hóa chất khử khuẩn cho động vật trên cạn, còn toàn bộ hóa chất khử khuẩn cho môi trường thủy sản chưa được cấp. Chúng tôi đã lập tờ trình báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh mua hóa chất và cấp phát theo đúng quy định của pháp luật, hỗ trợ bà con nông dân khôi phục ngành Thủy sản”, ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai thông tin thêm.

Giá con giống gia cầm tăng nhẹ sau bão lũ số 3
Giá con giống gia cầm tăng nhẹ sau bão lũ số 3

Từ thực tế cho thấy, sau mưa lũ, các loại dịch bệnh có nguy cơ cao xảy ra trên đàn vật nuôi; cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã và đang khẩn trương tiêu trùng, khử độc bảo đảm an toàn để khôi phục sản xuất.

Tin cùng chuyên mục