Quảng Trị là vùng đất có nhiều di tích lịch sử. Qua thống kê của ngành Văn hoá, tỉnh đang có đến 562 di sản văn hóa vật thể và 342 di sản văn hóa phi vật thể. Trong số đó, đáng chú ý nhất vẫn là 4 cụm di tích đặc biệt cấp quốc gia, 20 di tích lịch sử cấp quốc gia và 10 bảo vật quốc gia. Chẳng thế mà, du lịch được địa phương xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và cần tích cực đổi mới trong thời đại công nghệ số.
Trong chiến lược quy hoạch Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, địa phương cũng đã xác định, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác, phát huy lợi thế về sinh thái, văn hoá, biển đảo, giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ đổ nát do chiến tranh tàn phá, ký ức chiến tranh - khát vọng Hòa bình… Những tiềm năng du lịch ấy, Quảng Trị đang hướng đến việc kết nối liên vùng trong hệ thống du lịch di sản miền Trung, cùng các hành lang kinh tế quốc gia, quốc tế.
Theo đó, ở thời đại công nghệ số, du lịch cũng bắt buộc phải thay đổi, điều chỉnh để bắt nhịp cùng thời cuộc. Một “cuộc cách mạng” trong chuyển đổi số đối với ngành Du lịch đã được Quảng Trị rốt ráo thực hiện.
Hiện nay, nhiều nghiên cứu về chuyển đổi số đã được ứng dụng tại các di tích, di sản ở Quảng Trị. Đó là, ứng dụng công nghệ GIS xây dựng hệ thống thông tin di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị; xây dựng hệ thống thông tin di tích Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị bằng công nghệ GIS, 3D; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Hoàng Nam, cho biết: Để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong ngành Du lịch tại địa phương, thì các cơ sở dữ liệu cần phải có như cơ sở dữ liệu không gian (bản đồ), phi không gian (các tài liệu, sử liệu nghiên cứu về di tích; tư liệu ảnh, phim tài liệu kể cả một số tư liệu số với mô hình 3D) được thực hiện bằng cách sử dụng các kỹ thuật hiện đại như GPS, thiết bị Go Pro, UAV; sử dụng phần mềm ArcGIS Desktop để xây dựng và cập nhật dữ liệu không gian được định dạng chuẩn theo hệ tọa độ quốc gia VN2000, UTM và xây dựng các bản đồ trực tuyến.
Chuyển đổi số trong di sản văn hóa ở Quảng Trị với việc ứng dụng công nghệ 3D Laser Scanning có tính năng hiện đại trong quét, xử lý hình ảnh… nhằm tạo ra tour du lịch ảo trên nền tảng công nghệ không gian 3D số hóa hiện đại. Vì vậy, khi áp dụng thực tế vào du lịch sẽ giúp du khách có những trải nghiệm sinh động hơn khi tham quan, trải nhiệm các điểm đến ở Quảng Trị.
Giải pháp Ngân hàng số Di sản Văn hóa Quảng Trị hỗ trợ du lịch thông minh của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị được vinh danh tại hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” tại Lễ trao giải Chuyển đổi số Việt Nam năm 2023 (VDA 2023).
Nằm trong chiến lược chuyển đổi số di sản văn hóa, Quảng Trị cũng đã xây dựng hệ thống các bản đồ trực tuyến, tạo nguồn dữ liệu hỗ trợ áp dụng công nghệ khi tìm kiếm tra cứu giới thiệu thông tin các điểm du lịch. Cùng với đó, việc xây dựng ứng dụng di động (App Mobile) "Di sản văn hóa Quảng Trị" sử dụng trên các thiết bị Smartphone đã tích hợp Ngân hàng số di sản văn hóa Quảng Trị cùng các công cụ hỗ trợ (tìm đường, tham quan, VR, hình ảnh/video 3D…) giúp cho người sử dụng có thể truy cập vào các ứng dụng một cách nhanh chóng. Qua đó, hỗ trợ du khách có đầy ủ các thông tin cần thiết trước khi đến tham quan và trải nghiệm các điểm du lịch.
Hiện nay, ứng dụng di động Di sản văn hóa Quảng Trị đã được đưa lên kho ứng dụng Google Play. Người dùng có thể tìm kiếm hoặc quét mã QR để tải về thiết bị di động. Ứng dụng có 4 menu chính: Bản đồ, Các điểm di tích, Tham quan và Giới thiệu, nhằm đáp ứng nhu cầu người dùng khi đến với Quảng Trị.
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Xây dựng Ngân hàng số về di sản văn hóa Quảng Trị bước đầu đã số hóa và tích hợp các lớp dữ liệu di sản văn hóa theo cơ chế thống nhất, phục vụ cho công tác quy hoạch và quản lý du lịch nói riêng và phát triển hệ thống bản đồ số của tỉnh và quốc gia nói chung.
Đây cũng là tiền đề cho sự phát triển của các ứng dụng khác như sử dụng mã QR trong cung cấp thông tin, tăng cường các tính năng của thực tế ảo (VR-360) để đảm bảo tính trực quan, sinh động tại các điểm đến du lịch. Quá trình này là bước đi tất yếu trong công tác quản lý, bảo tồn cũng như phát huy giá trị các di sản văn hóa. Hơn thế, người dân và khách du lịch là những đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ ứng dụng này, giúp tiếp cận thông tin chung về du lịch Quảng Trị một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Được biết, Quảng Trị đang từng bước hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu di sản văn hóa Quảng Trị thông qua thống kê và nhập liệu các cụm di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội… Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống bằng phiên bản tiếng Anh để phục vụ du khách nước ngoài, phát triển ứng dụng Di sản văn hóa Quảng Trị trên hệ điều hành IOS và tiến đến áp dụng trên nền tảng Web 3.0.