Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Giang: Chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng sống cho đồng bào DTTS

Vũ Mừng - 17:32, 03/08/2024

Với nhiều tiện ích mang lại, chuyển đổi số (CĐS) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đang được tỉnh Hà Giang quan tâm, đẩy mạnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), qua đó giúp người dân tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc một cách kịp thời, nhanh chóng; đồng thời những tính năng trên nền tảng số đã đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho đồng bào các DTTS.

Thuận lợi cho người dân trong tiếp cận chủ trương, chính sách 

Ngay sau khi chương trình CĐS được triển khai, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hoàng Su Phì đã đẩy mạnh áp dụng ứng dụng công nghệ thông CNTT vào thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm và thu được hiệu quả cao trong công tác Hội; cũng như hoạt động tuyên truyền.

Người dân xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) sử dụng điện thoại thông minh để quảng bá chè Shan tuyết trên các nền tảng số. Ảnh: Yên Hoa
Người dân xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) sử dụng điện thoại thông minh để quảng bá chè Shan tuyết trên các nền tảng số. Ảnh: Yên Hoa

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Hường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì chia sẻ, toàn huyện Hoàng Su Phì có 14.242 hộ gia đình với hơn 68.700 nhân khẩu thuộc 13 dân tộc, trong đó có 8 dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì đã thực hiện quản lý hội viên từ cấp huyện đến cơ sở trên phần mềm Quản lý hội viên; triển khai xử lý hồ sơ công việc trên hệ thống văn bản điện tử. 

Ngoài ra, việc tiến hành sinh hoạt theo quý tại các Chi hội trực thuộc Hội LHPN các xã, thị trấn, cũng có sự đổi mới và áp dụng ứng dụng CNTT. Theo đó, các Chi hội sẽ thực hiện biên soạn nội dung theo từng chủ đề, trình chiếu trên các phần mềm như video, PowerPoint và có phiên dịch ra hai thứ tiếng để hội viên là người DTTS  nắm rõ nội dung được triển khai trong mỗi buổi sinh hoạt. Với cách làm này, công tác tuyên truyền đến với hội viên nhanh và đạt hiệu quả hơn, đối tượng tiếp nhận thông tin rộng, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội.

Thông qua ứng dVới điện thoại thông minh phụ nữ huyện Hoàng Su Phì dễ dàng tiếp cận các văn bản chính sách thông qua các fanpage Facebook, nhóm Zalo của Hội LHPN các xã, thị trấn
Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì dễ dàng tiếp cận các văn bản chính sách thông qua các fanpage Facebook, nhóm Zalo của Hội LHPN các xã, thị trấn

Để tạo sự kết nối và tương tác với các hội viên, Hội LHPN huyện còn lập fanpage “Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì” thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về các hoạt động của Hội từ Trung ương đến địa phương, những mô hình, cách làm hay của cá nhân, tập thể trong phát triển kinh tế và nuôi dạy con... thu hút gần 1.000 lượt người quan tâm, theo dõi.

 Theo đó, Hội LHPN các xã, thị trấn cũng tích cực kết nối qua ứng dụng Zalo, Facebook để triển khai kịp thời văn bản của cấp trên đến các hội viên; tương tác cùng chị em để nhanh chóng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của mọi người; kịp thời giải đáp thắc mắc và hỗ trợ chị em giải quyết vướng mắc khi cần thiết.

“Thực hiện CĐS giúp công tác Hội đạt hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao nhận thức của các hội viên, nhiều chị em đã thay đổi suy nghĩ, cách làm trong nuôi dạy con, chủ động xây dựng nếp sống văn minh và áp dụng khoa học công nghệ vào lao động sản xuất”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì thông tin.

Giúp người dân ổn định sinh kế

Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ là một trong những địa điểm đầu tiên trên địa bàn huyện Quản Bạ làm du lịch cộng đồng, hiện đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Tại đây, việc gìn giữ, xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc, nét đẹp văn hóa, là giải pháp trọng tâm mà ngành Du lịch địa phương hướng tới để hấp dẫn du khách.

Xuất phát điểm chỉ một vài hộ gia đình, đến nay, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm có 39 hộ làm dịch vụ homestay, đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 600 lượt khách/ngày đêm.

Trao đổi cùng phóng viên, anh Lý Tà Chun, một trong số những hộ gia đình đang làm dịch vụ du lịch tại Nặm Đăm chia sẻ: Từ năm 2019, nhận thấy những tiềm năng du lịch của địa phương, anh mạnh dạn cải tạo ngôi nhà trình tường truyền thống của gia đình để làm homestay đón khách lưu trú. Quá trình làm du lịch, gia đình còn cung cấp các dịch vụ tắm lá thuốc, trải nghiệm văn hóa người dân địa phương.

Việc quét mã QR để tìm hiểu thông tin về địa điểm du lịch đã trở nên quen thuộc khi du khách đến với Hà Giang
Việc quét mã QR để tìm hiểu thông tin về địa điểm du lịch đã trở nên quen thuộc khi du khách đến với Hà Giang

Thông qua kênh bán phòng, book phòng trên nền tảng số, lượng khách du lịch tìm tới sử dụng dịch vụ của gia đình tương đối ổn định. Trong năm 2022 được sự ủng hộ và tư vấn của chính quyền địa phương, anh Lý Tà Chun đã làm thêm 8 căn bugalow để đón khách du lịch.

Chàng trai người Dao bày tỏ, từ khi chuyển sang làm du lịch, nguồn thu nhập của gia đình khá ổn định. Trung bình mỗi năm trừ các chi phí doanh thu du lịch đã mang lại thu nhập cho hai vợ chồng trên 300.000.000 đồng.

Thời gian qua, UBND huyện Quản Bạ cũng luôn định hướng các HTX và người dân làm chủ công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội/nền tảng số. Hiện nay, 100% sản phẩm OCOP của huyện được quảng bá, đăng tải và mua bán trên các sàn thương mại điện tử, góp phần tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế số.

Nghề dệt lanh và làm các sản phẩm từ lanh của HTX Cán Tỷ đang giúp người dân trên địa bàn có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống
Nghề dệt lanh và làm các sản phẩm từ lanh của HTX Cán Tỷ đang giúp người dân trên địa bàn có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống

Ông Sùng Mí De, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ thông tin: “HTX dệt lanh của địa phương sản xuất được trên 35 loại sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Ngoài việc tích cực tham gia các hội chợ thương mại, HTX còn tích cực giới thiệu sản phẩm trên các gian hàng thương mại điện tử, thông qua đó đã kết nối được với nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. 

"Hiện nay, sản phẩm của HTX còn có mặt ở các thị trường như Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản, từ đó đã tạo điều kiện để người dân trên địa bàn có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống”, ông Sùng Mí De cho hay.

Để đẩy mạnh công tác CĐS đến với đồng bào DTTS, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con tiếp cận với ứng dụng số, thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ các cấp tham gia CĐS; tăng cường phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.