Theo đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng có tôn giáo được giữ vững; các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, an sinh xã hội của Đảng và chính phủ tiếp tục được triển khai, thực hiện; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên. Đi cùng với đó, là hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn; đồng bào các dân tộc, tôn giáo đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cơ quan Nhà nước; sự giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức, đoàn thể.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là, đồng bào DTTS và đồng bào theo tôn giáo chủ yếu sinh sống ở các huyện biên giới, vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo cao (30,58%), trình độ dân trí không đồng đều; tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường; đời sống của đồng bào DTTS ở vùng cao, vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn.
Đây chính là điểm yếu mà các điểm, nhóm, hệ phái tôn giáo chưa được công nhận và các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, “tà đạo”, “đạo lạ” lợi dụng, tiếp tục lôi kéo người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật; các tổ chức phản động lưu vong vẫn tiếp tục móc nối với một số chức sắc tôn giáo cực đoan ở trong nước và trên địa bàn tỉnh Điện Biên để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động các hoạt động chống Đảng, Nhà nước, gây tác động, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Theo chủ trương chỉ đạo, các địa phương đã rà soát, chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho các điểm nhóm đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Về cơ bản các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tập trung đều chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tính riêng trong năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh Điện BIên, UBND các xã đã cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 38 điểm nhóm (trong đó 32 điểm nhóm Tin lành; 05 điểm nhóm thuộc Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam; 01 điểm nhóm Công giáo), nâng tổng số điểm nhóm được cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là 375/434 điểm nhóm (đạt 84,6%).
Mới đây, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Mường Mươn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Điện Biên), trong buổi làm việc, Trung tá Đinh Công Điện cho biết: Đồn Biên phòng Mường Mươn quản lý 3 xã (Ma Thì Hồ, Na Sang và Mường Mươn) với 33 bản, 2.794 hộ với 14.896 khẩu, gồm 5 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm 70%. Chạy dọc đường biên giới với trên 24km chiều dài, có 9 cột mốc quốc gia, tiếp giáp với cụm bản Nà Lầm (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); có 01 bản với 46 hộ với 216 khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái và dân tộc Lào, trình độ dân trí thấp đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, có mối quan hệ thân tộc, dòng họ với đồng bào các dân tộc bên nước mình.
Trên địa bàn 3 xã biên giới do Đồn quản lý, có 919 hộ/5.726 tín đồ theo đạo, gồm 5 hệ phái: “Tin lành Việt Nam Miền Bắc”, “Phúc Âm ngũ tuần”, “Nước Hằng Sóng”, “Liên Đoàn truyền giáo phúc âm”, “Cơ đốc phục lâm”; có 31/32 điểm nhóm đã được cấp ủy, chính quyền địa phương 3 xã quyết định chấp thuận cho đăng ký sinh hoạt điểm nhóm. Trong đó, từ năm 2018 đến cuối tháng 7/2023 địa bàn có 3 hộ, với 16 khẩu theo tà đạo “Bà cô Dợ”, ngày 27/7/2023 qua công tác tuyên truyền, vận động 3 hộ này đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo.
Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2018 đến nay, tình hình tà đạo “Bà cô Dợ" đã xuất hiện trên khu vực biên giới trực tiếp ảnh hưởng đến tư tưởng của Nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết trong các thôn bản, làm hoang mang trong quần chúng Nhân dân. Ví dụ như tà đạo “Bà cô Dợ” có một số nội dung tuyên truyền, lôi kéo kích động đồng bào dân tộc Mông không đi tiêm Vắc xin phòng chống covid-19, kích động về các thảm họa, thiên tai xảy ra trên thế giới.
Hoạt động của tà đạo trên địa bàn tiềm ẩn nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội trên địa bàn.