Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Nâng tầm “cam kết” để thoát nghèo bền vững

PV - 11:23, 28/11/2018

Cam kết được xem như là một điều kiện ràng buộc, nhưng lại không phải là quy định ở dạng luật; vì vậy, rất khó để có những chế tài xử lý nếu cam kết không thành. Điều này thể hiện rõ nhất ở cam kết khi thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

Hiệu quả có, khó nhân rộng

Hỗ trợ có điều kiện khuyến khích ý thức tự vươn lên của người nghèo. (Ảnh minh họa) Hỗ trợ có điều kiện khuyến khích ý thức tự vươn lên của người nghèo. (Ảnh minh họa)

Năm 2012, xã Mò Ó, A Ngo, Hướng Hiệp là 3 địa phương của huyện Đăkrông (Quảng Trị) triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ hộ cam kết thoát nghèo bền vững (Phương án 39). Tham gia mô hình là 30 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều có kinh tế hết sức khó khăn và chưa nhận được các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Mô hình đã thực sự hiệu quả khi các hộ tham gia đều đã thoát nghèo.

Gia đình ông Hồ Văn Hia, ở thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó là một hộ tham gia mô hình. Ông được hỗ trợ 2 con bò sinh sản cũng như tiền mua giống, cây trồng, phân bón, giao chăm sóc rừng... Điều kiện ràng buộc kèm theo đối với gia đình ông Hia khi nhận hỗ trợ là cam kết sau 3 năm phải thoát nghèo bền vững; nếu không thực hiện được thì sẽ không được nhận bất cứ sự hỗ trợ nào.

Với sự hỗ trợ, giám sát chặt chẽ của cán bộ phụ trách mô hình, gia đình ông Hia chăm chỉ làm ăn. Chỉ sau 1 năm nhận được sự hỗ trợ, tổng thu nhập của gia đình ông Hia đạt gần 50 triệu đồng từ tiền bán sắn cùng nhiều khoản thu nhập khác. Còn tính từ năm 2013 đến năm 2017, thu nhập bình quân của gia đình ông Hia đạt hơn 100 triệu đồng/năm, trở thành hộ khá của thôn Phú Thiềng.

Cũng như gia đình ông Hia, 29 hộ tham gia mô hình hỗ trợ cam kết thoát nghèo của huyện Đăkrông hiện cũng đã có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên khá giả. Có thể kể thêm gia đình bà Hồ Thị Den, thôn Kỳ Ne, xã A Ngo. Tham gia mô hình gia đình bà được hỗ trợ 30 triệu đồng để mua 2 con bò cái sinh sản và trồng 1,5 sào cỏ voi để tạo nguồn thức ăn cho bò, kinh phí làm chuồng trại. Đến nay, đàn bò của gia đình bà Den đã phát triển lên đến 11 con. Đàn bò được chăm sóc tốt nên nhanh lớn và sinh sôi phát triển; gia đình đã thoát khỏi diện nghèo của xã.

Hiệu quả của mô hình hỗ trợ cam kết thoát nghèo bền vững ở Đăkrông là rất tích cực. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này hiện vẫn là một bài toán khó của địa phương bởi thiếu kinh phí thực hiện. Đến thời điểm này, mô hình hỗ trợ cam kết thoát nghèo bền vững cũng chỉ dừng lại ở 30 hộ tham gia thí điểm từ năm 2012.

Nên xem cam kết ở góc độ pháp lý

Thực tế cho thấy, thời gian qua, hầu hết hộ nghèo DTTS đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án để phát triển sản xuất nhằm thoát nghèo. Nhưng vận hành theo cơ chế “cho không”, “cấp không” nên khi hỗ trợ gia súc, gia cầm thì họ đem bán hoặc chăm sóc không tốt dẫn đến việc gia súc, gia cầm chết... nên hiệu quả của việc hỗ trợ không cao.

Mô hình hỗ trợ cam kết thoát nghèo bền vững ở Đăkrông đem lại hiệu quả tích cực. Mô hình hỗ trợ cam kết thoát nghèo bền vững ở Đăkrông đem lại hiệu quả tích cực.

Mô hình hỗ trợ cam kết thoát nghèo bền vững ở huyện Đăkrông đã cho thấy rõ việc hỗ trợ có điều kiện là hướng đi cần thiết để giảm nghèo bền vững. Việc ràng buộc đối tượng được thụ hưởng cam kết phải thoát nghèo hạn chế tối đa tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tính chủ động vươn lên thoát nghèo của họ.

Nhưng hạn chế của mô hình này lại nằm ở khâu nhân rộng, nguyên nhân là do thiếu kinh phí. Xét ở góc độ pháp lý, việc các địa phương của Quảng Trị khó nhân rộng mô hình rất tích cực này do thiếu kinh phí cho thấy sự ràng buộc thiếu chặt chẽ trong cam kết giữa cấp ra chủ trương và cấp thực hiện chủ trương triển khai mô hình hỗ trợ cam kết thoát nghèo bền vững.

Rõ ràng là, khi xây dựng thí điểm mô hình hỗ trợ cam kết thoát nghèo bền vững, UBND tỉnh Quảng Trị cũng phải lường trước tính hiệu quả của mô hình để lên phương án nhân rộng. Phương án nhân rộng đó có thể được xem là những cam kết của UBND tỉnh Quảng trị đối với chính quyền các địa phương, đối với các hộ tham gia thí điểm. Nhưng do phương án có tính nhất thời, nhiệm kỳ nên việc tuân thủ “cam kết” trong việc nhân rộng khi mô hình hiệu quả không được bố trí kinh phí thực hiện là điều dễ hiểu.

Từ thực tiễn ở Quảng Trị cho thấy, việc hỗ trợ giảm nghèo có điều kiện là rất cần thiết. Tuy nhiên, “điều kiện” phải thoát nghèo khi nhận hỗ trợ phải được nâng lên thành những quy định bắt buộc, có tính pháp lý cao. Những quy định có tính pháp lý trong cam kết thoát nghèo không chỉ là trách nhiệm của đối tượng thụ hưởng mà là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Có như vậy, việc hỗ trợ thoát nghèo theo cam kết mới đạt mục tiêu bền vững.

SỸ HÀO