Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2016, tổng sản lượng nấm của cả nước đạt 136,504 nghìn tấn. Tốc độ tăng trưởng sản lượng nấm qua các năm của Việt Nam đạt bình quân 11,88%/năm. Riêng vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL là khu vực sản xuất nấm lớn nhất khu vực phía Nam, với gần 80.000 tấn nấm/năm.
Nghề trồng nấm ở ĐBSCL đang hình thành một cách tự phát. Người trồng nấm thường tự học hỏi kỹ thuật, mua meo giống ở các khu vực khác để trồng nên hiệu quả còn thấp. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng khí hậu thời tiết lúc mưa dai, lúc lại nắng nóng kéo dài, làm tăng dịch bệnh, năng suất kém. Nông dân sử dụng trộn nhiều loại thuốc kích thích và thuốc trừ sâu, làm cho nấm không an toàn.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, người trồng nấm đã thay đổi phương thức sản xuất, trong đó chú trọng tới thời tiết thay đổi bất thường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm.
Ông Phạm Văn Triều, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, là một trong những nông dân chuyển đổi thành công mô hình trồng nấm bào ngư xám. Theo ông tính toán, với diện tích trại là 100m2, chất 8.000 bịch phôi và chi phí xây dựng cơ bản và meo giống là 100 triệu đồng. Năng suất thực tế 250g/bịch, tổng cộng thu được là 2 tấn nấm, với giá bán dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg, thu được 82 triệu đồng. Trừ tất cả các khoản chi phí, lãi thu về được 21 triệu đồng.
Ông Triều chia sẻ: “Lúc trước, tôi trồng nấm cực lắm, tốn công rất nhiều, suốt này dầm mưa, dầm nắng. Nay trồng nấm theo công nghệ sản xuất hiện đại, ít công chăm sóc, mỗi ngày chỉ phun nước 3 lần, mỗi lần khoảng 3 phút, mà không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng vôi để khử trùng nền trại và sử dụng cồn 900 vệ sinh dụng cụ thu hoạch. Nhưng khó khăn lớn nhất là đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, chưa có nơi thu mua số lượng lớn, nên tôi không dám mở rộng khu sản xuất”,
Tại tỉnh Hậu Giang, hiện nay số lượng nông dân trồng nấm rơm trong nhà trên 40 hộ, với quy mô từ 48-200m2 tập trung chủ yếu ở thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ và huyện Vị Thuỷ. Hằng năm, nông dân sản xuất từ 6-7 vụ, sản lượng trung bình mỗi ngày có thể cung cấp trên 3 tấn nấm tươi. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm của các hộ chủ yếu là bán lẻ, chưa có một đơn vị nào bao tiêu sản phẩm.
Là một trong những tỉnh phát triển mạnh nghề nấm, bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chia sẻ, hiện tại, tỉnh có khoảng 104 hộ tham gia sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, tập trung chủ yếu là sản xuất nấm rơm và nấm bào ngư. Diện tích sản xuất nấm rơm vào khoảng 5.000ha với sản lượng 60 tấn nấm rơm. Nấm bào ngư đạt 2,0 triệu bịch, ước tính sản đạt 600 tấn nấm tươi. Tốc độ phát triển trung bình đạt 2,32%.
Để phát triển nghề nấm của tỉnh hiệu quả, địa phương xác định, tiếp tục hướng đến sản xuất theo công nghệ cao, tập huấn cập nhật kỹ thuật mới cho nông dân. Bên cạnh đó, các điểm trình diễn mô hình trồng nấm rơm trong nhà, nấm bào ngư với các diện tích, quy mô lớn.
“Tỉnh sẽ tăng cường giải pháp, mời gọi doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn trên địa bàn, hỗ trợ chính sách tín dụng để bà con nông dân có điều kiện chuyển đổi mô hình sản xuất tăng thu nhập cao cho người trồng nấm ăn”, bà Vân cho biết.
N.TÂM