Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong thực hiện chế độ, chính sách với Người có uy tín

Mạnh Cường - 00:09, 05/06/2023

Những năm qua, đánh giá cao về vai trò, sức ảnh hưởng của những Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đội ngũ này, qua đó, Người có uy tín ngày càng phát huy tốt vai trò trên các mặt công tác ở cơ sở. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế xung quanh vấn đề này.

Ông Hồ Xuân Trăng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông Hồ Xuân Trăng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế

 Thưa ông, trên các lĩnh vực hoạt động, Người có uy tín trong đồng bào DTTS đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS. Với tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã quan tâm, chăm lo đến đội ngũ Người có uy tín như thế nào?

Ông Hồ Xuân Trăng: Nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ Người có uy tín trong thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, đặc biệt là hiện nay đang trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã chú trọng nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho Người có uy tín. Trong đó,  chú trọng những nội dung liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc; tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng tuyên truyền, hòa giải tại cơ sở, bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS trên địa bàn…

Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất cơ quan Trung ương hỗ trợ điện thoại thông minh cho một số cá nhân Người có uy tín sinh sống tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; thăm hỏi vào dịp Tết Nguyên đán; khi Người có uy tín và gia đình ốm đau hoặc gặp khó khăn hoạn nạn...

Tỉnh cũng quan tâm, thực hiện cấp định kỳ Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Thừa Thiên Huế; tổ chức đưa hằng trăm lượt Người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển kinh tế tại nhiều tỉnh, thành phố…

Ông Hồ Xuân Trăng trao Giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho các cá nhân là Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong hoạt động năm 2022.
Ông Hồ Xuân Trăng trao Giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho các cá nhân là Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong hoạt động năm 2022.

 Những đóng góp của Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; gìn giữ bản sắc văn hóa; bảo đảm an ninh trật tự, củng cố khối Đại đoàn kết toàn các dân tộc… Ông chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả này?

Ông Hồ Xuân Trăng: Người có uy tín đóng vai trò nòng cốt, thực hiện tốt việc nêu gương, trở thành “điểm tựa” của đồng bào DTTS; là "cánh tay" nối dài của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tới Nhân dân, trong những năm gần đây, Người có uy tín đã có nhiều đóng trong các lĩnh vực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Nhất là việc vận động bà con tăng gia phát triển sản xuất; nghiêm túc thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp thôn, xã; chủ trương xác định và phân chia địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị; phòng chống tệ nạn xã hội, đại dịch Covid-19; bài trừ những hủ tục, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình; tích cực tham gia cuộc vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế, đã tích cực vận động con cháu chú trọng lao động sản xuất; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS. Vận động Nhân dân định canh định cư, ứng dụng khoa học vào sản xuất để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối Đại đoàn kết dân tộc, Người có uy tín chủ động vận động Nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền ở cơ sở. Một số Người có uy tín nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp huyện và cơ sở, đã tích cực hỗ trợ cho những đảng viên trẻ những kinh nghiệm về công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, về xây dựng chính quyền vững mạnh. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Trong giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, Người có uy tín đã phối hợp chặt chẽ với đội ngũ Công an viên, các đoàn thể tại cơ sở giải quyết kịp thời những vướng mắc, các vụ tranh chấp khiếu kiện trong Nhân dân, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia nhiều hơn nữa trong công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội. Tích cực vận động bà con nêu cao tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng và duy trì cụm dân cư không có tội phạm... Người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi ở cộng đồng dân cư sớm trở thành người tốt, người có ích cho xã hội.

Trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bằng tri thức và kinh nghiệm sống, Người có uy tín đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Vận động bà con giữ gìn và phát triển lễ hội Aza Kooh của người Pa Cô; nghề dệt Zdèng của người Tà Ôi; xây dựng nhà Gươil của người Cơ Tu để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc đồng thời là nơi để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào.

Ban Dân tộc Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ gặp mặt, trao tặng điện thoại thông minh cho Người có uy tín.
Ban Dân tộc Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ gặp mặt, trao tặng điện thoại thông minh cho những Người có uy tín

Để tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh sẽ triển khai những nội dung gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Hồ Xuân Trăng: Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh phân công, phân cấp quản lý tổ chức thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò Người có uy tín trên địa bàn. Tổ chức các Hội nghị biểu dương, tôn vinh những cá nhân Người có uy tín có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến Người có uy tín thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; cung cấp Bản tin Dân tộc và Miền núi hàng quý do Ban Dân tộc phát hành; cấp phát định kỳ Báo Dân tộc và Phát triển và tổ chức tham quan học tập kinh nghiêm nội tỉnh và ngoại tỉnh; tổ chức các hội nghị sinh hoạt cụm, câu lạc bộ, hội thi nhằm tăng cường kiến thức pháp luật cho Người có uy tín.

Thực hiện tốt việc thăm hỏi, động viên tinh thần Người có uy tín vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán, khi Người có uy tín gặp ốm đau, hoạn nạn. Tổ chức tốt việc tiếp đón, động viên, tuyên dương Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong công tác vận động và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Với nỗ lực tuyên truyền của già làng Vương Văn Cừa, đồng bào Cơ Tu ở xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông đã bỏ tục đâm trâu trong ngày Tết.
Với nỗ lực tuyên truyền của già làng Vương Văn Cừa, đồng bào Cơ Tu ở xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông đã bỏ tục đâm trâu trong ngày Tết.

 Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Tỉnh Thừa Thiên Huế có đề xuất, kiến nghị gì về chính sách đối với Người có uy tín trong giai đoạn tới, thưa ông?

Ông Hồ Xuân Trăng: Tỉnh đã đề nghị điều chỉnh điểm d, khoản 2, Điều 4 thành “Nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, nhà giáo, người hành nghề chữa bệnh giỏi hoặc người thường xuyên giúp đỡ cộng đồng dân cư, là tấm gương sáng trong cộng đồng và được cộng đồng tín nhiệm”. Sử dụng cụm từ “Người có điều kiện kinh tế” là không phù hợp. Thực tế, việc bầu chọn Người có uy tín không cần thiết phải là người có điều kiện kinh tế. Người thường xuyên gần gũi với cộng đồng, luôn chia sẻ, giúp đỡ công sức, tinh thần hoặc vật chất cho mọi người trong cộng đồng và được cộng đồng tín nhiệm vẫn là đối tượng được lựa chọn.

Người có uy tín tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS.
Người có uy tín tỉnh Thừa Thiên Huế đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tại địa phương

Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị điều chỉnh điểm c, khoản 1, Điều 5 thành “Người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin, kiến thức cơ bản về công tác dân tộc và chính sách dân tộc…”.

Tại điểm d, đề nghị chỉnh sửa thành “Người có uy tín được đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong tỉnh (do cấp huyện Quyết định) và cấp tỉnh (UBND tỉnh Quyết định). Việc giao cho cấp huyện và tỉnh quyết định nhằm mở rộng thẩm quyền ban hành văn bản để kịp thời thực hiện chế độ chính sách cho Người có uy tín.

Đề nghị chỉnh sửa Điều 6 thành “Quyền lợi, trách nhiệm, mối quan hệ và quản lý, tổ chức thực hiện chính sách cho Người có uy tín”. Bên cạnh đó, bổ sung và quy định “quyền lợi, mối quan hệ và quản lý, tổ chức thực hiện chính sách cho Người có uy tín” tại phần nội dung của Điều 6. Bởi lẽ, để phát huy vai trò của Người có uy tín thì phải bảo đảm quyền lợi và gắn trách nhiệm cho Người có uy tín. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong công tác thực hiện chế độ, chính sách, quản lý, vận động Người có uy tín.

 Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Có đường nhưng... vẫn chưa hết khổ

Có đường nhưng... vẫn chưa hết khổ

Theo phản ánh của người dân, trong những trận mưa lớn vào đầu năm 2024, nước từ đường Đại Dực đi xã Đại Thành cũ theo cống thoát nước, chảy xuống đường dân sinh ra đến đường trục chính của xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) làm trôi bùn đất xuống ruộng và Trung tâm Văn hóa xã, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.