Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Hội nghị nhằm nâng cao ý thức về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới; tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và các cơ quan báo chí; từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo ông Hồ Hồng Hải, báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của Ủy ban Quốc hội, nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên. Thậm chí, có tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Cùng với đó, các báo cáo, nghiên cứu chỉ ra rằng, những tác hại của việc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự và môi trường.
Ông Hồ Hồng Hải cũng nhấn mạnh, với ưu thế thông tin nhanh, phổ cập rộng, cách thức chuyển tải nội dung phong phú, hấp dẫn có sức lan tỏa và khả năng tác động lớn đến xã hội, báo chí đã trở thành lực lượng chủ lực góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong nhiều năm qua.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự được nghe và xem các bài trình bày về: Tình hình thực thi chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên thế giới và tại Việt Nam; Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng - sự thật về chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá; quan điểm giảm hại đối với thuốc lá điếu bằng thuốc lá nung nóng; thực tế một số ca viêm phổi cấp trên thế giới và Việt Nam do thuốc lá mới, cơ chế gây bệnh, mức độ nguy hiểm và mối liên quan của bệnh này với thuốc lá mới...
Theo các báo cáo, nghiên cứu, những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, môi trường gồm: Tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, làm suy giảm sự trưởng thành não bộ, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên; gây cháy nổ, thương tích khi thiết bị điện tử hỏng, lỗi; tạo gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội; dễ bị lợi dụng để tẩm ướp, pha trộn ma túy, các chất gây nghiện, dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội; gia tăng ô nhiễm môi trường do rác thải điện tử của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhất là với thiết bị sử dụng một lần.
Theo TS.Bs. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm khoảng 70.000 người Việt Nam chết vì các bệnh do thuốc lá, thậm chí thực tế còn nhiều hơn so với thống kê.
“Để bảo đảm sức khỏe, cần có biện pháp cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác ở Việt Nam”, TS.Bs. Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Thông tin tại Hội nghị, Ths. Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết: Hiện Bộ Y tế đang trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.