Theo thông tin từ Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, tại thời điểm tháng 9/2024 về cung cấp DVCTT toàn trình: Triển khai cung cấp DVCTT toàn trình đạt tỷ lệ 55,5%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 59,68%, khối tỉnh đạt tỷ lệ 55,38%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 50%, khối tỉnh đạt tỷ lệ 17%.
Kết quả đánh giá Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra rằng, không hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính nào của địa phương đạt mức A và B; có 39 địa phương đạt mức C; 15 địa phương đạt mức D và 9 địa phương có kết quả đánh giá mức E.
Theo kết quả đánh giá, nhìn chung, các cổng DVC chưa đáp ứng nhu cầu của người dùng, chưa đạt được mục đích cuối cùng là tạo sự thuận tiện khi thực hiện các thủ tục hành chính. Nhiều người dùng cổng DVC vẫn chưa thể tự làm thủ tục mà phải dựa vào sự hướng dẫn trực tiếp hoặc làm thay của đội ngũ công chức.
Đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, người DTTS thường phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các công chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính, điều này dẫn đến tình trạng họ không tự mình tiếp cận được các dịch vụ cần thiết.
Chuyển đổi tư duy về môi trường số
Để bảo đảm rằng DVCTT thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức là rất cần thiết. Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công của UNDP cho rằng, cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc triển khai và cung cấp DVCTT. Các cán bộ cần được đào tạo không chỉ về kỹ năng công nghệ mà còn về kỹ năng giao tiếp, để họ có thể hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận và sử dụng DVCTT.
Chia sẻ về kết quả các dự án đang triển khai, bà Huyền cho biết, trong 3 năm vừa qua, nhóm nghiên cứu đã cùng với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đến 9 tỉnh có đồng bào DTTS để thực hiện nghiên cứu để DVCTT có thể đến được với đồng bào, tập trung vào các huyện có tỷ lệ đồng bào DTTS số cao, như ĐaKrông ở Quảng Trị hay Xín Mần ở Hà Giang.
Dự án hướng tới việc giúp công chức tại các địa bàn tiếp cận DVC, từ đó giúp công dân tại địa bàn đó thông qua việc hướng dẫn cầm tay chỉ việc cho đội ngũ Tổ công nghệ số cộng đồng - chính là các đồng bào DTTS. Theo bà Huyền, việc giúp đỡ lẫn nhau giữa đồng bào là cách hiệu quả hơn so với việc chờ đợi sự giúp đỡ từ công chức.
Để nâng cao hiệu quả của các cổng DVC, từ đó cải thiện việc cung ứng DVCTT, báo cáo nghiên cứu của IPS và UNDP đã đưa ra các khuyến nghị, trong đó có việc thay đổi tư duy trên môi trường số.
Trước hết, các tỉnh, thành phố cần thực hiện rà soát và khắc phục các lỗi kỹ thuật trên cổng DVC, bảo đảm tính hiệu quả, thực chất và công khai thông tin để nâng cao tính thuận tiện, dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS, người lớn tuổi và người khuyết tật.
Theo báo cáo nghiên cứu, điều quan trọng nhất là sự cần thiết phải chuyển đổi tư duy về môi trường số, tập trung vào việc xây dựng các chính sách và triển khai DVCTT từ góc độ “quản trị số”, trong đó chú trọng thúc đẩy tương tác tự nhiên trên môi trường số giữa bên cung ứng và bên sử dụng DVCTT.
Ứng dụng công nghệ số và kết nối dữ liệu cần được thực hiện một cách linh hoạt để gỡ bỏ các rào cản hành chính, đồng thời bảo đảm dữ liệu được chia sẻ và kết nối hiệu quả. Các văn bản pháp luật liên quan tới quy trình, thủ tục hành chính cần được sửa đổi để phù hợp hơn với môi trường số.
Việc thực hiện các thủ tục hành chính không theo địa giới hành chính cũng cần được chú trọng. Trong thời gian tới, có thể hướng đến năm 2030, cần thiết lập một đầu mối quốc gia cung cấp DVCTT tại một cổng DVC chung duy nhất.
Theo các chuyên gia, các cổng DVC cần được thiết kế theo hướng thân thiện và dễ sử dụng, với giao diện trực quan, dễ hiểu. Việc đầu tư vào hạ tầng viễn thông tại các vùng sâu, vùng xa cũng rất cần thiết để bảo đảm người dân có thể truy cập Internet và sử dụng DVCTT một cách thuận lợi. Đặc biệt, cần có các chương trình hỗ trợ kết nối Internet cho các hộ gia đình ở vùng khó khăn.
Để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về DVCTT, cần phát triển các tài liệu hướng dẫn sử dụng DVCTT bằng nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ của các DTTS. Những tài liệu này cần được thiết kế đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận, từ đó giúp người dân có thể tự thực hiện các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, các buổi tuyên truyền và hội thảo cũng cần được tổ chức thường xuyên tại các khu vực dân cư, đặc biệt là tại những vùng có đông người DTTS. Đây là cơ hội để người dân được lắng nghe, hỏi đáp và nhận sự hỗ trợ trực tiếp từ các cán bộ, công chức. Ngược lại, việc thu thập phản hồi từ người dân về DVCTT cũng là yếu tố rất quan trọng để cải thiện dịch vụ. Cần có các kênh thông tin để người dân có thể gửi ý kiến phản hồi và yêu cầu hỗ trợ một cách dễ dàng.
Tóm lại, việc tập trung vào người dùng trong cung cấp DVCTT là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Đặc biệt đối với người DTTS, việc cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng DVCTT không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
Việc đưa DVCTT vào cuộc sống không chỉ là việc triển khai công nghệ, mà còn là việc xây dựng niềm tin và mối quan hệ giữa chính quyền và người dân. Khi người dân cảm thấy hài lòng và tin tưởng vào các DVC, họ sẽ tham gia tích cực hơn vào các hoạt động của cộng đồng và góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Do vậy, cần có sự đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng để bảo đảm rằng DVCTT thực sự phục vụ lợi ích của người dân. Hành trình này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.