Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nâng cao chất lượng dạy học tiếng DTTS: Chuẩn hóa tài liệu dạy học (Bài 1)

Cù Hương - Sỹ Hào - 13:10, 20/11/2023

LTS: Việc đẩy mạnh dạy và học tiếng nói, chữ viết của các DTTS trong các cơ sở giáo dục đã góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc. Để cụ thể hóa chủ trương này, Nhà nước đã có những hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản dưới luật quy định chi tiết việc dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cho thấy, có rất nhiều những bất cập cần được tháo gỡ.

Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên được triển khai theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 (NĐ 82); tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trong Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2030” theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” ngày 14/8/2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” ngày 14/8/2023.

Tài liệu giảng dạy chưa thống nhất

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, tiếng DTTS được quy định là môn học tự chọn. Trên cơ sở Chương trình tổng thể, chương trình 8 thứ tiếng DTTS (Khmer, Chăm, Ê Đê, Mnông, Mông, Thái, Gia Rai, Ba Na) đã được ban hành theo Thông tư 34/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Do chưa có bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng DTTS dùng chung cho cả nước nên các cơ sở giáo dục thực hiện dạy tiếng DTTS đều sử dụng các tài liệu dạy học đã ban hành trước đó, được thực hiện theo NĐ 82. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 – Điều 14 của NĐ 82 thì UBND cấp tỉnh quyết định bộ chữ và lựa chọn điều kiện tổ chức dạy học tiếng DTTS; đồng thời UBND cấp tỉnh “ra quyết định về việc dạy học tiếng DTTS trên địa bàn” (Khoản 3 – Điều 4).

Tại Thanh Hóa, năm 2014, UBND tỉnh đã chủ trì biên soạn và ban hành cuốn “Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Thái”, được Bộ Nội vụ phê duyệt để làm tài liệu trong công tác dạy học tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Khi biên soạn tài liệu này, UBND tỉnh Thanh Hóa dùng bộ chữ Thái Tây Bắc làm chuẩn, từ chữ viết đến dấu thanh. Đây là bộ chữ được Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam chọn làm bộ chữ Thái Việt Nam (còn gọi là chữ Thái thống nhất).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trường Trường THPT Quan Sơn, tiếng Thái có sự phân hóa trong chữ viết, cơ bản chia thành 3 khu vực: Thái Tây Bắc, Thái Thanh Hóa và Thái Nghệ An. Trong đó, tiếng Thái Tây Bắc và tiếng Thái Thanh Hóa có sự trái ngược thanh điệu - tổ cao, tổ thấp, dẫn đến ngữ âm và ngữ nghĩa khác nhau. Khi giảng dạy chữ Thái, giáo viên của Trường THPT Quan Sơn nói riêng và các trường khác trên địa bàn tỉnh nói chung phải khắc phục bằng cách dùng bảng chữ cái của bộ chữ Thái Việt Nam, nhưng vận dụng trục thanh điệu của ngữ âm Thanh Hóa.

Dạy tiếng DTTS giúp học sinh hình thành những phẩm chất tốt đẹp, có tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ, có ý thức về cội nguồn và bản sắc dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị ngôn ngữ, văn hoá của cộng đồng DTTS. (Trong ảnh: Lớp học tiếng Sán Chay tại thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động)
Dạy tiếng DTTS giúp học sinh hình thành những phẩm chất tốt đẹp, có tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ, có ý thức về cội nguồn và bản sắc dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị ngôn ngữ, văn hoá của cộng đồng DTTS. (Trong ảnh: Lớp học tiếng Sán Chay tại thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động)

Còn tại Đăk Lăk, trước khi có NĐ 82, tỉnh này đã triển khai dạy tiếng Ê – Đê trong các trường tiểu học từ năm học 1995 – 1996; tài liệu giảng dạy là bộ sách “Tiếng Ê Đê thực nghiệm’’ do tỉnh biên soạn. Từ năm học 2014– 2015, toàn tỉnh áp dụng bộ sách giáo khoa tiếng Ê Đê bậc tiểu học mới (xuất bản năm 2013), được Bộ Giáo dục và Đào (GD&ĐT) tạo thông qua và trở thành bộ SGK cấp quốc gia.

Tuy nhiên, theo bà H’Bê La Niê, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cư Huê, huyện Ea Kar), tiếng Ê Đê có sự phân hóa theo vùng miền, dân tộc Ê Đê cũng chia làm nhiều nhóm. Còn tài liệu dạy học được biên soạn theo chuẩn ngôn ngữ nhóm dân tộc Ê Đê Kpă ở Buôn Ma Thuột, có khác biệt nhất định với tiếng nói của học sinh, phụ huynh người dân tộc tại chỗ ở Ea Kar.

Cần bộ sách giao khoa chuẩn

Trăn trở của những người trực tiếp giảng dạy tiếng DTTS tại cơ sở đã được Ủy ban Dân tộc (UBDT) ghi nhận trong Báo cáo số 1533/BC-UBDT ngày 11/11/2020 về kết quả rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong báo cáo này, UBDT nhận định, việc giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định bộ chữ tiếng DTTS và triển khai dạy học tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh theo NĐ 82 đã gây ra những bất cập về việc thống nhất lựa chọn bộ chữ chuẩn.

“Quy định này dẫn đến trường hợp một DTTS sinh sống tại nhiều tỉnh khác nhau có thể sẽ có nhiều bộ chữ khác nhau. Đồng thời, việc giao quyền cho UBND cấp tỉnh có nghĩa là một tỉnh hoàn toàn có quyền có một chương trình, một bộ SGK triển khai theo bộ chữ tiếng DTTS riêng của địa phương đó. Trong khi Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý dạy học tiếng DTTS nói chung, do đó không thể đáp ứng việc xây dựng chương trình và SGK tiếng DTTS theo từng đơn vị tỉnh”, Báo cáo số 1533/BC-UBDT nhấn mạnh.

Tiếng Ê Đê có sự phân hóa theo vùng miền, dân tộc Ê Đê cũng chia làm nhiều nhóm. (Trong ảnh: Một tiết học tiếng Ê Đê tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông )
Tiếng Ê Đê có sự phân hóa theo vùng miền, dân tộc Ê Đê cũng chia làm nhiều nhóm. (Trong ảnh: Một tiết học tiếng Ê Đê tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông )

Trong Báo cáo số 1533/BC-UBDT, UBDT dẫn kiến nghị của Bộ GD&ĐT là phải sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quyết định bộ chữ tiếng DTTS và triển khai dạy học tiếng DTTS để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; nhất là phù hợp với chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước được quy định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK dục phổ thông.

Trên thực tế, việc ban hành chương trình cũng như tài liệu dạy tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT rất chậm. Báo cáo của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” tại Phiên họp thứ 25 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/8/2023 đã cho thấy rõ điều này.

Báo cáo chỉ rõ, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành từ năm 2018, trong đó có chương trình 8 thứ tiếng DTTS. Nhưng đến năm 2020, chương trình môn học tiếng DTTS mới ban hành, dẫn tới chậm phát hành SGK tiếng DTTS, ảnh hưởng tới hoạt động dạy học. Đến cuối năm 2022, Bộ GD&ĐT mới phê duyệt SGK tiếng DTTS lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong khi lớp 1 triển khai Chương trình mới từ năm học 2020 - 2021; đến nay, học sinh đã kết thúc chương trình lớp 2, 3, 6, 7 và 10).

“Việc biên SGK khoa tiếng DTTS không thực hiện được theo phương thức xã hội hóa. Dù có chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ biên soạn SGK tiếng DTTS bằng ngân sách nhà nước từ năm 2020 nhưng hiện nay vẫn chưa có bộ sách này. Đối với nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT đã chậm trễ trong cả hai khâu là ban hành Chương trình môn học và biên soạn SGK”, báo cáo của Đoàn giám sát nhấn mạnh.

Tiếng Thái có sự phân hóa trong chữ viết, cơ bản chia thành 3 khu vực: Thái Tây Bắc, Thái Thanh Hóa và Thái Nghệ An. (Trong ảnh: Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi” - Thanh niên với văn hoá dân tộc Thái” tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An năm 2023)
Tiếng Thái có sự phân hóa trong chữ viết, cơ bản chia thành 3 khu vực: Thái Tây Bắc, Thái Thanh Hóa và Thái Nghệ An. (Trong ảnh: Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi” - Thanh niên với văn hoá dân tộc Thái” tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An năm 2023)

Từ sự chậm trễ trên, Đoàn giám sát đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thành việc biên soạn SGK tiếng DTTS, bảo đảm quyền lợi của học sinh DTTS. Đây cũng là nội dung được đề cập trong Quyết định số 404/QĐ-TTg, ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trong Quyết định số 404/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT biên soạn, thử nghiệm một bộ SGK, trong đó có SGK song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học.

Mặc dù những bất cập đã được chỉ ra nhưng trong Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT ngày 22/11/2022 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện một số điều NĐ 82 ngày 15/7/2010 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT vẫn quy định, Bộ sẽ xem xét các điều kiện về dạy học tiếng DTTS theo đề nghị của UBND cấp tỉnh; trường hợp được Bộ GD&ĐT chấp thuận, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định về việc dạy học tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.