Đề án sẽ nghiên cứu, bảo tồn, phát huy tiếng DTTS của 6 thành phần dân tộc, gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay và Dao, được triển khai tại 73 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Đề án đặt mục tiêu từng bước tăng tỷ lệ người DTTS nói được tiếng DTTS bình quân 2 - 3%/năm; phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người DTTS nói được tiếng DTTS đạt từ 15 - 20%.
Cùng với đó, Đề án đặt mục tiêu, từ năm học 2024 - 2025, đến hết năm học 2029 - 2030: 100% các trường học vùng đồng bào DTTS và miền núi tổ chức được lớp học tiếng DTTS và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng DTTS. Triển khai thí điểm việc dạy và học tiếng DTTS trong cộng đồng ở 73 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; mỗi xã chọn 1 thôn/bản để làm điểm.
Từ năm 2026 - 2030, mỗi năm tổ chức lớp học tiếng DTTS và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng DTTS trong cộng đồng. Phấn đấu đến hết năm 2030: 100% số thôn/bản (539 thôn/bản) vùng đồng bào DTTS và miền núi tổ chức được các lớp học tiếng DTTS và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng DTTS trong cộng đồng. Đến hết năm 2030, các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, mỗi huyện có từ 2 - 3 thôn/bản có đội văn nghệ biểu diễn bằng tiếng DTTS phục vụ cho du khách tại các điểm du lịch cộng đồng.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Đề án đề ra các nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và người dân về sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các DTTS. Xây dựng cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực. Xây dựng tài liệu truyền, dạy tiếng DTTS của tỉnh Bắc Giang để tổ chức truyền dạy trong các trường học vùng đồng bào DTTS và miền núi và cộng đồng. Thực hiện tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho lực lượng truyền dạy tiếng DTTS. Thực hiện truyền dạy tiếng DTTS trong cộng đồng và các trường học.