Ông Châu Minh Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Trà Mai cho biết, làng cũ cách làng mới khoảng 3 cây số, khi di dời nhà cửa, người dân cũng triển khai việc di dời luôn cả điểm trường mầm non Long Bok. Tuy nhiên, vì trường được dựng bằng gỗ và trải qua nhiều năm sử dụng nên bộc lộ sự xuống cấp. Do vậy, dù điểm trường cũ đã được đưa đến địa điểm mới, nhưng để đảm bảo an toàn cho trẻ chúng tôi không sử dụng vật liệu cũ để dựng trường.
Để khắc phục tạm điều này, chúng tôi buộc lòng phải mượn tạm nhà dân để phục vụ dạy học. Ông Nghĩa cho biết thêm, hiện nay lớp học rất chật chội, chỗ ăn ngủ tạm bợ, còn đồ chơi, đồ dùng học tập cũng chỉ là những thân tre, tấm ván gỗ trên rừng được người dân tận dụng chế tạo để phục vụ học tập cho các cháu. Với tình hình này, nhiều gia đình có ý định không cho con đi học.
Một cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My xác nhận, hiện tại, Phòng Giáo dục huyện cũng đang tìm cách để hàng chục trẻ mầm non ở thôn 3 có ngôi trường mới khang trang.
“Chứng kiến các cháu sinh hoạt và học tập ngay trong các nhà dân, chúng tôi thực sự rất xót xa. Địa phương đang kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để sớm xây dựng cho các cháu có ngôi trường mới kiên cố hơn”, vị cán bộ này thông tin thêm.
Có thể nói, đây cũng là hệ lụy từ việc xây dựng thiếu đồng bộ ở các khu tái định cư, khiến cuộc sống của người dân không ổn định. Thay vì bớt khó khăn ở mặt này, họ lại đối diện khó khăn ở mắt khác. Vì vậy, về lâu dài rất mong chính quyền các địa phương nghiên cứu kỹ quy hoạch trước khi tiến hành xây dựng các khu tái định cư. Thời gian tới, chúng ta cũng hy vọng rằng các cá nhân, tổ chức trong xã hội tích cực vào cuộc chung tay xây dựng vùng dân tộc và miền núi nhằm bớt đi gánh nặng cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.
THIÊN ĐỨC