Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nậm Pồ (Điện Biên): Khó khăn trong xử lý chất thải y tế

Nghĩa Hiệp - 10:59, 06/01/2020

Huyện Nậm Pồ (Điện Biên) là huyện mới được thành lập, còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Trong đó, việc thiếu thốn về công cụ xử lý chất thải y tế tuyến xã đang là vấn đề thách thức đến ngành Y tế huyện Nậm Pồ nói riêng, cũng như tỉnh Điện Biên nói chung.

Bể xử lý nước thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ
Bể xử lý nước thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Điện Biên, 18 cơ sở y tế trên địa bàn huyện Nậm Pồ đều chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn theo quy định. Chỉ có 2/16 cơ sở y tế có hệ thống thu gom xử lý nước thải

Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Y tế huyện khám, chữa bệnh cho 40 - 50 bệnh nhân. Lượng rác thải lây nhiễm như: Bông băng, găng tay dính dịch, máu của bệnh nhân... được xử lý bằng tẩm dầu và đốt thủ công, sau đó chôn lấp cùng với rác thải thông thường. Rác thải sắc nhọn, bơm kim tiêm, vỏ vắc xin thì cho vào bể bê tông đập vụn và đốt.

Việc xử lý bằng cách đốt và chôn lấp trực tiếp không bảo đảm tiêu hủy mầm bệnh, quy trình chôn lấp thô sơ, gần khu dân cư, khi đốt gây ô nhiễm, khói bụi và nhiều chất độc hại cho người dân sống xung quanh những cơ sở y tế này. Trong tương lai, việc chôn lấp chất thải lâu ngày sẽ theo nước mưa ngấm vào đất và gây nguy hại đến mạch nước ngầm, nước sinh hoạt của người dân. 

Còn đối với các tuyến y tế cấp xã, hiện nay chưa có bể xử lý chất thải. Chất thải y tế được thải trực tiếp thông qua đường ống dẫn tại các trung tâm ra môi trường, không qua xử lý lọc và hóa chất gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát mầm bệnh. Hiện, toàn tỉnh Điện Biên mới chỉ có 5/130 trạm y tế tuyến xã có hệ thống xử lý nước thải y tế; 64/130 trạm có lò đốt thủ công và hố bê tông; 66 trạm y tế đang xử lý đốt thủ công và chôn lấp thông thường. Khó khăn trong việc xử lý rác thải y tế tại tuyến xã hiện nay là do thiếu cơ sở vật chất. Các trạm y tế chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý rác thải y tế đi kèm.

Ông Vũ Minh Công, Chánh Văn phòng huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Ðể khắc phục những tồn tại, khó khăn trên, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây hệ thống xử lý nước thải y tế, các lò đốt thủ công, các hố bê tông xử lý rác thải y tế tại các xã chưa có theo đúng quy định. Xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn các huyện theo công nghệ khử khuẩn bằng hơi nước. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng bệnh viện đa khoa huyện Nậm Pồ, đi kèm với những hệ thống xử lý rác thải, nước thải y tế tiêu chuẩn. Sớm chấm dứt tình trạng khó khăn ngành Y tế huyện đang gặp phải hiện nay”.

Theo mục tiêu của Bộ Y tế, năm 2020, 100% cơ sở y tế sẽ thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường. Đây thực sự là thách thức và là hành trình gian nan đối với các địa phương vùng DTTS, miền núi, khi còn rất nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Muốn hoàn thành mục tiêu này, không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của riêng ngành Y tế, mà còn cần đến sự chung tay của các ngành, lĩnh vực khác, cũng như của toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.