Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mường Phăng (Điện Biên): Bao giờ mới được công nhận là xã An toàn khu cách mạng?

Vũ Lợi - 12:01, 10/05/2021

Sau 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2021), xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) vẫn chưa được công nhận là xã An toàn khu (ATK) cách mạng, dù đây là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi vị tướng tài ba - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Việc chưa được công nhận xã ATK cách mạng khiến người dân trong khu vực chịu nhiều thiệt thòi trong thụ hưởng chế độ hỗ trợ bảo hiểm y tế và nhiều chính sách khác của Đảng, Nhà nước.

Mường Phăng được đánh giá là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng. Việc được công nhận là xã An toàn khu sau gần 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là điều người dân trên địa bàn vẫn đang mong mỏi.
Mường Phăng được đánh giá là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng. Việc được công nhận là xã An toàn khu sau gần 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là điều người dân trên địa bàn vẫn đang mong mỏi.

Mong chờ được công nhận xã An toàn khu

Xã Mường Phăng nằm cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 30km, đây là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - địa điểm thứ 3 và là địa điểm cuối cùng đặt cơ quan đầu não của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch của quân đội ta đã đóng chân tại đây 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/5/1954). Trước đó, địa điểm thứ nhất của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa (xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) và địa điểm thứ 2 đặt tại bản Huổi He (xã Nà Tấu, nay thuộc TP. Điện Biên Phủ).

Cũng tại nơi này, bằng tài thao lược quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách đúng đắn để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào năm 1954.

Theo số ít cụ cao niên trong xã Mường Phăng kể lại, cuối năm 1953, thời điểm địch cho quân nhảy dù tăng cường cho Mặt trận Điện Biên Phủ, chúng bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp mọi ngả đường vào trận địa và cho máy bay quần thảo khắp nơi nhằm chặt đứt mọi đường tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm và hậu cần cho quân đội Việt Nam.

Thời điểm này, người dân Mường Phăng đã tham gia quyên góp, ủng hộ cho bộ đội gần chục tấn gạo và nhiều lương thực, thực phẩm. Nhiều người dân là đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã tình nguyện xin đi vận chuyển quân lương.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển địa điểm đóng chân của Sở Chỉ huy Chiến dịch từ bản Huổi He (xã Nà Tấu) về Mường Phăng (từ ngày 31/1/1954 đến 15/5/1954) thì người dân thuộc cộng đồng các dân tộc ở Mường Phăng lại chung tay đóng góp sức người, sức của cùng lực lượng công binh khảo sát địa hình để xây dựng Sở Chỉ huy, làm giao liên, quyên góp lương thực, thực phẩm ủng hộ bộ đội; giữ bí mật cho quân ta xây dựng căn cứ và tham gia khai thác đá mở đường cho chiến dịch, góp phần bảo đảm Chiến dịch toàn thắng.

Đường vào khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng
Đường vào khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng

Thế nhưng từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 đến nay đã gần 70 năm trôi qua, xã Mường Phăng vẫn chưa được công nhận là xã ATK. Nhân dân trong xã vẫn đang mong chờ từng ngày, bởi với họ, ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước dành để tri ân, nâng cao mức sống cho người dân thì đó còn là phần thưởng lớn lao, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc xã Mường Phăng.

“Đá bóng” cho nhau

Đại diện cho chính quyền sở tại, ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Trước đây, khi xã Mường Phăng chưa sáp nhập về TP. Điện Biên Phủ thì Phòng Nội vụ huyện đã tiến hành các bước lập hồ sơ xã ATK cách mạng đối với xã này. Trong nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, UBND xã đã đề nghị, kiến nghị huyện Điện Biên và sau này là TP. Điện Biên Phủ (vì từ ngày 1/1/2020, xã Mường Phăng sáp nhập về TP. Điện Biên Phủ) để hoàn thiện hồ sơ để trình lên Chính phủ công nhận xã Mường Phăng trở thành xã ATK cách mạng. Nhưng từ đó đến nay, mọi việc vẫn dẫm chân tại chỗ.

Du khách thăm lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ
Du khách thăm lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ông Nguyễn Đình Duy, chuyên viên Phòng Nội vụ (TP. Điện Biên Phủ), người được giao trực tiếp hoàn tất hồ sơ thủ tục xã ATK cho xã Mường Phăng cho biết: Chúng tôi đang chờ xã Mường Phăng thu thập thông tin để gửi về để tổng hợp, sau đó sẽ gửi Sở Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền. Khi được hỏi hiện nay bộ hồ sơ công nhận xã ATK của Mường Phăng đã làm đến bước nào và đang vướng ở đâu thì ông Duy cho biết, vẫn đang chờ xã Mường Phăng. Trong khi đó, UBND xã Mường Phăng lại cho rằng, xã đang trông chờ vào các phòng chuyên môn của thành phố.

Trước đó, ngày 29/12/2020, UBND TP. Điện Biên Phủ đã có văn bản số 2003/UBND-NV, gửi Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên về việc đề nghị gia hạn thêm thời gian để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận xã ATK, thời gian đến cuối quý IV, năm 2021.

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Hiện nay, xã Mường Phăng chỉ còn khoảng 8% hộ nghèo, xã đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Người dân trên địa bàn cũng đang mong mỏi chính quyền địa phương chỉ đạo các phòng chuyên môn nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, thủ tục để chuyển Bộ Nội vụ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận xã Mường Phăng là xã ATK cách mạng trong thời gian sớm nhất.

Toàn cảnh di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ từ trên cao
Toàn cảnh di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ từ trên cao

Ngày 24/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Theo đó, người dân của xã ATK được Nhà nước hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế; địa phương được hỗ trợ xây dựng, tu sửa bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng và các thiết chế văn hóa xã ATK.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.