Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mường Nhé (Điện Biên): Phát huy vai trò cán bộ dân tộc thiểu số trong phát triển KT-XH

PV - 09:29, 26/08/2019

Những năm qua, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS. Từ đó, cán bộ, đảng viên là người DTTS đã phát huy vai trò và có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Tháng 8 vừa qua, gia đình anh Trang A Cháng, bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn thu hoạch vụ sả cuối cùng trong năm. Với 2ha sả, anh Cháng thu về ngót 50 triệu đồng sau hơn 1 năm chăm sóc. Anh cho biết: “Có được nguồn thu nhập ổn định trên là do gia đình được lãnh đạo xã, thôn định hướng, hỗ trợ vốn, giống và tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây có thể là hướng đi mới, phù hợp giúp gia đình tôi thoát nghèo và làm giàu”.

Ông Sừng Sừng Khai, Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn chia sẻ: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã đã quyết tâm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn. Sau nhiều lần đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn, tháng 4/2018, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết đưa cây sả vào trồng thử nghiệm kết hợp với đẩy mạnh trồng rừng. Chúng tôi giao chi bộ các thôn phối hợp với cán bộ Trạm khuyến nông tập huấn kỹ thuật, cầm tay chỉ việc để bà con biết cách áp dụng kỹ thuật vào trồng sả. Sau hơn 1 năm, cây sả hợp đất, phát triển tốt, tạo thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn”.

Trồng và chăm sóc cây sả ở xã Leng Su Sìn huyện Mường Nhé. Trồng và chăm sóc cây sả ở xã Leng Su Sìn huyện Mường Nhé.

Toàn xã Leng Su Sìn hiện có 70 hộ dân trồng sả (diện tích 60ha). Với giá bình quân 4.000-5.000 đồng/kg sả tươi, mỗi ha sả đem lại cho bà con khoảng 25 triệu đồng. Đầu năm 2019, Đảng ủy và UBND xã Leng Su Sìn đã tư vấn cho bà con mua 15 nồi (loại 500 lít) dùng tinh chế dầu sả để bán được giá cao hơn.

Cùng với việc trồng sả, cán bộ xã Leng Su Sìn còn vận động bà con trồng mới được trên 100ha rừng. “Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm trên 3%. Năm 2019, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, xã dự kiến trồng thí điểm 1ha cây mắc ca và sa nhân, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 2%”, ông Khai cho biết thêm.

Ở xã Nậm Kè, việc đẩy mạnh chăn nuôi và khuyến khích người dân khai hoang, mở rộng diện tích ruộng nước để cấy lúa được Đảng ủy, UBND xã chú trọng. Với lợi thế có nhiều bãi chăn thả, Đảng ủy, UBND xã đã định hướng cho 11 bản lập bãi chăn thả trâu, bò rộng 20ha và lập kế hoạch hỗ trợ sản xuất cho đồng bào với việc phát triển đàn gia súc. Nhờ đó, đàn trâu, bò toàn xã tăng từ 4.145 con (năm 2015) lên 4.600 con (năm 2019, tăng 455 con). Mỗi năm, người dân bán khoảng 120 con trâu, 24 con bò. Thu nhập từ bán gia súc góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bình quân từ 3-4%/năm.

Toàn xã Nậm Kè đã phát triển được gần 300ha lúa nước. Sản lượng tăng, lương thực được đảm bảo, Nậm Kè đã nhanh chóng xóa được hộ đói, lương thực bình quân đầu người đạt gần 500kg (năm 2018).

Điển hình là hộ ông Vàng A Sử ở bản Huổi Hốc. Trước đây, gia đình ông Sử thuộc diện nghèo nhất bản. Được chính Bí thư Đảng ủy Lò Văn Sung vận động khai hoang ruộng nước, kết hợp nuôi trâu, bò, gia đình ông Sử không những thoát nghèo mà vươn lên làm giàu. Gia đình ông Sử hiện có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm từ bán trâu, bán thóc.

Có được những thành công trong chỉ đạo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, huyện ủy, UBND huyện Mường Nhé đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ DTTS. Giai đoạn 2010-2015, huyện đã cử 2.529 cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Từ 2016 đến 2019, toàn huyện có 210 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé chia sẻ: “Với chủ trương đúng đắn về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ

cán bộ DTTS, việc tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thời gian tới, huyện sẽ rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể đội ngũ cán bộ trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ DTTS, đồng thời thực hiện tốt công tác tạo nguồn, sử dụng cán bộ DTTS hợp lý, hiệu quả”.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.