Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mường Nhé (Điện Biên): Dấu ấn một năm hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng bộ vào cuộc sống

Thuý Hồng - 10:49, 26/01/2022

Năm 2021 là năm đầu tiên huyện Mường Nhé triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, Đảng bộ huyện Mường Nhé đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, đề ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh biên giới. Qua đó, góp phần đưa mảnh đất cực Tây của Tổ quốc phát triển bền vững.

Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng kiểm tra thức ăn cho gia súc theo mô hình chăn nuôi nhốt tập trung tại xã Mường Nhé.
Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng kiểm tra thức ăn cho gia súc theo mô hình chăn nuôi nhốt tập trung tại xã Mường Nhé.

Mục tiêu lớn

Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 6 nhóm giải pháp để thực hiện 18 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trên tất cả các lĩnh vực; trong đó phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 38,43%, giảm 20% so với năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết, một trong những khâu đột phá được Đảng bộ huyện xác định là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trọng tâm là tổ chức lại sản xuất; tích cực thử nghiệm, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao; phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình trang trại, hộ gia đình; thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ nông - lâm nghiệp…

Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU “Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 04-NQ/HU, “Về việc phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết số 05-NQ/HU “Về việc chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 19/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Để triển khai quyết liệt các nghị quyết, Đảng bộ huyện Mường Nhé đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách giúp người dân có ý thức vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng trật tự an toàn xã hội của địa phương.

“Thông qua công tác tuyên truyền, việc tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt từ huyện đến cơ sở đã tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị, hành động, tạo đồng thuận trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân” ông Nguyễn Quang Hưng cho biết.

Bí thư Huyện uỷ Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng (đầu tiên bên trái) kiểm tra mô hình chăn nuôi gia súc ở xã Mường Nhé.
Bí thư Huyện uỷ Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng (đầu tiên bên trái) kiểm tra mô hình chăn nuôi gia súc ở xã Mường Nhé.

Quyết tâm cao

Trên tinh thần các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã nhanh chóng bắt tay ngay vào những công việc cụ thể với ý chí, quyết tâm cao nhất.

Cụ thể, để đẩy mạnh các giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt tập trung Thường trực Huyện uỷ, lãnh đạo UBND huyện và các phòng, ban liên quan đã trực tiếp làm việc với Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) và mời đoàn lên giúp đỡ việc triển khai thực hiện; Chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các xã đã đẩy mạnh tuyên truyền để bà con chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt tập trung. Đến nay, huyện đã quy hoạch một số vị trí tại các xã: Nậm Kè, Leng Su Sìn, Sín Thầu, Mường Nhé…, để phát triển đàn gia súc.

Ban Thường vụ đã chỉ đạo UBND huyện phân bổ cho các xã 1,1 tỷ đồng (100 triệu/xã) để hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng cỏ voi, xây dựng chuồng trại. Ngoài ra Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã đã phối hợp, hướng dẫn hỗ trợ 87 hộ gia đình xây dựng các mô hình chăn nuôi điểm trên địa bàn 11 xã, bước đầu đã có hiệu quả tích cực.

Ông Vũ Thái Thụy, Bí thư Đảng uỷ xã Mường Nhé chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Huyện ủy về chăn nuôi đại gia súc, xã đã tích cực tuyên truyền để bà con thay đổi tư duy từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang nuôi nhốt tập trung làm hàng hóa. Đến nay, xã đã có gần 5.000 con gia súc; trong đó, trên 20 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò tập trung.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, Huyện ủy đã chỉ đạo các đơn vị rà soát được 27.484,66ha diện tích đất chưa có rừng để để đầu tư trồng rừng, cây mắc ca. Hoàn thành xong việc rà soát ngoại nghiệp đối với 6 xã triển khai dự án mắc ca công nghệ cao. Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Mắc ca Tây Bắc đã trồng được khoảng 600ha mắc ca tại xã Sen Thượng, hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được triển khai tích cực, đặc biệt trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân trong độ tuổi đi lao động. Giải quyết việc làm cho 812 lao động đạt 101% kế hoạch. Liên kết với Trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghề Trung ương tuyển 56 lao động về trường đào tạo và bố chí việc làm; đưa 51 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, xuất khẩu 2 lao động ra nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc); Thực hiện xong 9 lớp dạy nghề với 243 học viên là lao động nông thôn.

Ban Thường vụ Huyện ủy cùng các cơ quan chức năng kiểm tra thực địa tại xã Sín Thầu để trồng sâm Ngọc Linh.
Ban Thường vụ Huyện ủy cùng các cơ quan chức năng kiểm tra thực địa tại xã Sín Thầu để trồng sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh đó, Mường Nhé cũng đang khai thác triệt để thế mạnh về tiềm năng du lịch. Huyện đang đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS, phục dựng Tết cổ truyền, lễ Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì, lễ cầu mưa dân tộc Si La, lễ cúng tổ tiên của người Cống; triển khai Đề án du lịch cộng đồng tại bản Tả Khừ, xã Sín Thầu... Đẩy mạnh các điểm du lịch sinh thái như: Khu nước nóng tại xã Quảng Lâm, điểm săn mây xã Nậm Kè, khu di tích Đồn Pháp, du lịch tâm linh Tá Miếu, thác Păm Pơi, Y Ma Hồ; chinh phục mốc giao điểm đường biên giới 3 nước...

Từ những mục tiêu và giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 trên địa bàn ước đạt 1.318 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020. Thu ngân sách đạt 16 tỷ đồng, vượt dự toán giao 18,52%, đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn còn 59,79%...

“Năm 2021, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, Mường Nhé đã đạt được những kết quả quan trọng. Những kết quả này sẽ tạo đà phát triển cho năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của huyện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, sớm đưa Mường Nhé trở thành điểm sáng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng cho biết./.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.