Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Niềm vui khi điện về bản

Doãn KIên- Minh Hải - 15:38, 16/09/2021

Sau 31 năm thực hiện tái định cư, hàng trăm người dân là đồng bào dân tộc Thái, Cống tại bản Yên, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé (Điện Biên) mới được sử dụng điện lưới quốc gia. Đây là niềm hạnh phúc, niềm vui khôn xiết của đồng bào các dân tộc ở bản Yên.

Công ty điện lực Mừơng Nhé đang chuẩn bị những bước cuối cùng trước khi đóng điện xã Mường Toong
Công ty điện lực Mừơng Nhé đang chuẩn bị những bước cuối cùng trước khi đóng điện xã Mường Toong

Đầu năm 2021, trạm biến áp bản Yên thuộc Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014-2020 chính thức đi vào hoạt động, cung cấp điện lưới quốc gia cho người dân bản Yên. Ngoài trạm biến áp bản Yên, hai trạm biến áp khác ở các bản Huổi Pinh, Nậm Sả trên địa bàn xã Mường Toong cũng được đóng điện, đi vào vận hành.

Trong quá trình thi công, mặc dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm do địa hình cách trở, nhưng các công nhân ngành điện của Công ty Điện Lực Mường Nhé đã nỗ lực hoàn thành công trình với tiến độ cao nhất. Theo báo cáo của Điện lực Mường Nhé, tổng mức đầu tư cho 3 công trình cấp điện tại 3 điểm bản này là hơn 2,7 tỷ đồng, gồm gần 10km đường dây trung thế, gần 4km đường dây hạ thế, 3 trạm biến áp có tổng công suất hơn 181,5 kVA. Bên cạnh đó, khoảng 600 hộ dân của xã Mường Toong đều được hỗ trợ 01 bảng điện, bóng điện và dây điện kéo về tận nhà.

Thời điểm công trình hoàn thành, bà con trong xóm ai cũng vui mừng. Ông Đao Văn Long, Trưởng bản Yên phấn khởi cho biết: Không có điện, việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, đời sống văn hóa tinh thần của bà con cũng hạn chế, ảnh hưởng đến học tập của con trẻ. Từ khi có điện, cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Bà con đã đầu tư mua sắm tủ lạnh, tivi, máy may, máy xát... phục vụ sinh hoạt, sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Trước đây bà con trong bản chủ yếu sử dụng đèn dầu. Rồi khi cuộc sống khá hơn thì vài hộ gia đình góp tiền mua được chiếc tua bin nhỏ lắp bên dòng suối Nậm Xả để làm thủy điện gia đình. Thế nhưng, chỉ một trận mưa to, nước đổ về cuốn phăng chiếc tua bin. Còn vào mùa khô nước suối cũng cạn, thủy điện “mi ni” của chúng tôi cũng không thể phát điện. Giờ thì yên tâm rồi, có điện lưới quốc gia, chúng tôi được tiếp cận với các chương trình truyền hình, phát thanh, bà con còn nắm bắt thêm nhiều thông tin quan trọng, hữu ích, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế...”, ông Lò Văn Chương, một người dân trong bản chia sẻ.

 Niềm vui của người dân khi bản Yên có điện
Niềm vui của người dân khi bản Yên có điện

Có điện lưới quốc gia, khung cảnh ở bản Yên cũng vui hơn, rộn ràng hơn trước đây. Khép lại công việc hàng ngày, người dân trong bản lại í ới rủ nhau đến những gia đình có tivi để cùng xem. Nhà nhà đầy ắp tiếng nói cười, tình đoàn kết bản làng qua đó càng thắt chặt thêm.

Ông Bùi Quốc Trung, Giám đốc Điện lực Mường Nhé cho biết: Thực hiện kế hoạch cấp điện cho 3 bản của xã Mường Toong, Điện lực Mường Nhé đã phối hợp với các đơn vị, ban ngành có liên quan để triển khai quyết liệt, đúng tiến độ. Công trình được triển khai từ tháng 3-2020 đến đầu tháng 2-2021 thì hoàn thành, khoảng 600 hộ dân đã được cấp điện. Tính đến nay 11/11 xã của huyện Mường Nhé đã được đóng điện lưới quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào trong sinh hoạt và sản xuất.

Cán bộ ngành điện lực hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị điện an toàn.
Cán bộ ngành điện lực hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị điện an toàn.

Sau khi 3 bản của xã Mường Toong có điện, lãnh đạo xã đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới. Có điện lưới quốc gia, không chỉ thắp sáng bản làng, mà còn mang ánh sáng văn hóa, ánh sáng tri thức đến với đồng bào các dân tộc thiểu số. Có điện, bà con 3 bản vùng cao xã Mường Toong được tiếp cận nhiều hơn với các thông tin, khoa học kỹ thuật để áp dụng trong lao động sản xuất, qua đó, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống. Hiện nhiều người dân đã bắt đầu có những hướng đi mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các thông tin bổ ích trong và ngoài tỉnh.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.