Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Mùa vàng ở thung lũng Măng Ri

Đinh Dũng - Minh Ngọc - 08:49, 20/11/2020

Không hùng vỹ như ruộng bậc thang ở Tây Bắc, nhưng ruộng bậc thang ở Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) vẫn có một vẻ đẹp lạ lùng khiến nhiều người mê đắm.

Toàn cảnh thung lũng Măng Ri nhìn từ trên cao
Toàn cảnh thung lũng Măng Ri nhìn từ trên cao

Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) được mệnh danh “xứ sương mù” ở Bắc Tây Nguyên, bởi khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Măng Ri được biết đến là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh. Người dân nơi đây có truyền thống cách mạng kiên trung, anh dũng, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Ngày nay, Măng Ri còn được biết đến như “thủ phủ” của các loại dược liệu và là “vựa lúa” của vùng đất dưới chân núi Ngọc Linh hùng vỹ.

Thời gian này đang là mùa vàng ở Măng Ri. Đến Măng Ri vào mùa lúa chín, được chiêm ngưỡng các sơn nữ gặt những bông lúa chín vàng trên ruộng bậc thang uốn lượn, giữa mênh mông núi rừng, du khách sẽ nghĩ ngay đến vùng núi Tây Bắc với ruộng bậc thang hùng vỹ. Nhưng đây là Măng Ri, một thung lũng trên miền cao nguyên trung phần.

Những ngày này, thời tiết đang chuẩn bị giao mùa và cũng là mùa thu hoạch lúa của đồng bào Xơ Đăng ở thung lũng Măng Ri. Nếu lạc bước vào đây, chắc chắn nhiều người sẽ bị mê đắm trước vẻ đẹp của ruộng bậc thang nằm vắt ngang các sườn đồi. Thời tiết lạnh, nắng hanh vàng trên những cánh đồng làm rực lên sắc vàng, những thửa ruộng bậc thang thay lớp áo xanh non bằng màu vàng óng ả, làm nên bức tranh thiên nhiên vô cùng kỳ vỹ.

Xã Măng Ri có 6 thôn, làng với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Đồng bào Xơ Đăng ở Măng Ri từ nhiều đời đã khai khẩn, vạt đất quanh sườn đồi tạo thành những ruộng bậc thang để mở rộng vùng canh tác, tận dụng nguồn nước mạch từ núi chảy ra để thâm canh lúa nước. Các hộ gia đình trên địa bàn xã Măng Ri đều có ruộng để canh tác lúa nước. Bà con đã lo được nguồn lương thực tại chỗ ổn định phục vụ đời sống. Mọi gia đình ở đây đều không phải lo “cái đói giáp hạt”. Những ruộng bậc thang nơi đây được đồng bào trồng sau khi vạt đất theo khu vực sườn đồi. Nhìn từ trên cao, những lối đi nhỏ nằm đối xứng hai bên ruộng bậc thang nổi bật như những đường gân của chiếc lá.

Người Xơ Đăng ấm no từ những mùa vàng ở Măng Ri
Người Xơ Đăng ấm no từ những mùa vàng ở Măng Ri

Ruộng lúa ở thung lũng Măng Ri có nhiều khác biệt với ruộng lúa Tây Bắc, như kết cấu địa hình ở Tây Nguyên thoai thoải hơn, bằng phẳng. Những tầng lúa ở Măng Ri có đủ những đường cong khác nhau, tùy thuộc vào địa hình. Ông Y Cương Niê, người dân buôn Húk B cho biết: “Ở đây bà con mỗi năm thường làm 2 vụ lúa nước trên ruộng bậc thang. Buôn tôi thường tập trung cấy lúa ngay khi mùa mưa bắt đầu, lúc các con suối đã có nước dẫn về ruộng”.

Những thửa ruộng bậc thang không chỉ là nơi cung cấp lương thực mà còn cho thấy ý chí vươn lên, khát vọng ấm no và trình độ, sự sáng tạo trong lao động sản xuất của người dân vùng cao. Từ trên cao nhìn xuống, những thửa ruộng bậc thang ở lưng chừng đồi, đan xen là những ngôi làng với mái nhà rông cao vút đẹp tựa như một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.

Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch xã Măng Ri cho biết, Măng Ri không chỉ nổi tiếng với cây dược liệu quý - sâm Ngọc Linh mà còn là mảnh đất có bề dày truyền thống cách mạng - là nơi đặt “đại bản doanh”, Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum trong những năm kháng chiến đánh giặc cứu nước đầy cam go, gian khổ. Ở nơi đầu nguồn con suối Đăk Psi, cuộc sống đồng bào Xơ Đăng ở chiến khu xưa đã từng có một thời gian vô cùng khó khăn khi giao thông cách trở, địa hình xa cách. Nhưng giờ đây đã có nhiều “thay da đổi thịt”.

Giao thông thuận lợi đã giúp cho xã Măng Ri đã có nhiều “thay da đổi thịt”
Giao thông thuận lợi đã giúp cho xã Măng Ri đã có nhiều “thay da đổi thịt”

“Bà con Măng Ri đã biết làm ruộng bậc thang từ xa xưa để tận dụng nguồn nước mạch từ núi chảy ra canh tác lúa 2 vụ. Chính vì tạo được nguồn lương thực tại chỗ nên mọi gia đình đều không phải lo “cái đói” mùa giáp hạt. Đây cũng được xem là “vựa lúa” lớn nhất ở huyện Tu Mơ Rông!”, Chủ tịch xã Măng Ri Nguyễn Bá Thành tự hào nói.

Những ngày này, khắp Măng Ri dưới chân rẻo cao Ngọc Linh đang vào mùa lúa chín. Dân làng nô nức ra đồng gặt lúa, tiếng cười nói vang dậy khắp nơi. Không thể so với danh thắng ruộng bậc thang Tây Bắc, nhưng chắc chắn đây vẫn là một cảnh sắc vô cùng kỳ thú ở phía Bắc Tây Nguyên. Sắc vàng của lúa chín, hòa cùng màu xanh thẫm của núi rừng Tây Nguyên giữa tiết trời se lạnh càng điểm tô cho Măng Ri vẻ đẹp thơ mộng, đắm say lòng người.

Đặc biệt, trong thung lũng này có ngôi làng Pu Tá, đang được chính quyền huyện Tu Mơ Rông đầu tư xây dựng để trở thành điểm du lịch cộng đồng. Bởi ngôi làng vẫn giữ được nguyên nét mộc mạc, nguyên sơ mang đặc trưng kiến trúc cổ của người Xơ Đăng. Với sự cởi mở, hồn hậu của bà con nơi đây, du khách có thể hòa mình vào những lễ hội, những điệu xoang, những giai điệu dân ca... theo phong tục truyền thống của đồng bào Xơ Đăng. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, theo định hướng của huyện, thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển Măng Ri theo hai hướng: Du lịch và cây cà phê xứ lạnh, cây dược liệu.

Và trong niềm phấn khởi, già làng A Nít, năm nay đã bước qua tuổi 70 tuổi (là người làng Long Láy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri) cho biết: “Măng Ri đang là mùa thu hoạch. Mùa ấm no đang về trên những rẻo cao Tây Nguyên để chuẩn bị cho một cái tết ấm áp, đủ đầy”.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.