Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh miền Trung

H. Phúc - 18:32, 16/10/2023

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài, kèm theo sạt lở cao, người dân tại nhiều tỉnh, thành phố miền Trung như: Hà Tĩnh, Thừa Thừa Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đang gồng mình chống chọi với thiên tai.

(bài) Lũ chồng lũ : Tình hình diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung
Ngập lụt tại thành phố Đà Nẵng

Theo ý kiến các chuyên gia, các hình thế gây ra mưa lớn ở miền Trung trong giai đoạn mưa kỷ lục năm 1999 cơ bản đang giống giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, cường độ mưa năm 1999 lớn và gay gắt hơn.

Tính từ 19 giờ tối 10/10 đến 19 giờ tối 15/10, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi mưa rất to phổ biến 400-600mm, có nơi trên 1.000mm; các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa 200-400mm. Đặc biệt, một số điểm đo được lượng mưa vô cùng lớn: Hồ Hoà Khê 1.072mm, Hóc Khế 978mm, Suối Đá 968mm (Đà Nẵng); Quan Tượng Đài 1.050mm, Thọ Sơn 905mm, Lộc Tiến 897mm (Thừa Thiên Huế); Đại Hiệp 858mm, Duy Trung 829mm (Quảng Nam).

Trong đợt mưa 5 ngày vừa qua, Đà Nẵng đang là địa phương có số nhà ngập nhiều nhất (1.432 ngôi nhà). Bên cạnh đó, thành phố này phải sơ tán 6.831 người khỏi khu vực ngập lụt, cho học sinh trên toàn địa bàn nghỉ học. Mưa lũ cũng làm 76 điểm ngập từ 0,3 - 0,5 m; 3 điểm ngập từ 1 - 1,5 m; sạt lở 1 điểm khoảng 10 m ta luy âm đường đèo Hải Vân. Thiệt hại về giao thông trong đợt mưa lũ này, tỉnh Quảng Bình có 22 điểm các ngầm, tràn, tuyến đường liên thôn bị ngập.

Tại Thừa Thiên Huế, ngập úng cục bộ tại 6 huyện, thị, thành phố vùng đồng bằng tiếp tục giảm chậm (huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, Phú Vang, TP Huế, TX Hương Thủy, TX Hương Trà). Tỉnh Thừa Thiên Huế đã sơ tán 421 người dân ra khỏi khu vực bị ngập. Đê biển ở xã Phú Diên và Mỹ Khánh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở nghiêm trọng tại 12 điểm. Ngày 15/10, các phương tiện máy móc, thiết bị được huy động cùng các lực lượng xung kích cùng người dân địa phương nỗ lực khắc phục bờ biển bị sạt lở và các tuyến đường dân sinh ở xã Phú Diên.

Còn tại Hà Tĩnh, anh hưởng của mưa lớn kéo dài, triều cường dâng cao khiến đất đá khu vực dọc bờ biển huyện Cẩm Xuyên bị sạt lở nghiêm trọng, rừng phi lao bị gãy đổ ngổn ngang. Ngày 14-10, em Thái Văn V. (13 tuổi, ngụ thôn 3, xã Cẩm Lĩnh) bị nước cuốn trôi mất tích.

(bài) Lũ chồng lũ : Tình hình diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung 1
Người dân và lực lượng chức năng vận chuyển đá gia cố sạt lở bờ sông Ngàn Mọ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, trong ngày 15/10, tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200-300mm. Do ảnh hưởng của mưa lớn nên trên các sông ở Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 1-3m.

Ghi nhận thực tế tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, nhiều khu vực do lượng mưa lớn, kéo dài nhiều giờ liền đã khiến mực nước dâng cao, một số nơi nước tràn từ sông, suối vào các khu vực trũng thấp có nhà dân sinh sống. Tại xã Bình Tân Phú, mưa liên tục từ đêm đến chiều 15/10, nên nhiều khu vực trũng thấp ở địa phương này nước đã mấp mé tràn vào nhà dân. Riêng xã Bình Tân Phú lượng mưa đo được ước tính khoảng 250mm. Tại huyện Sơn Tịnh, mưa lớn kèm nước sông, suối dâng cao khiến cho nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện này bị chia cắt. Tại xã Tịnh Trà, nước lũ dâng cao ngập cầu Hòa Viên.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm nay và ngày mai, khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Bình Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ đêm 17/10, mưa lớn ở khu vực Quảng Bình, Quảng Trị có xu hướng gia tăng, riêng khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-350mm, có nơi trên 500mm trong hai ngày 16-17/10.

Cơ quan khí tượng cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam ở cấp 3. Khu vực Nam Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định ở cấp 1.

Dự báo ngày và đêm 18/10, khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa lớn 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ ngày 19/8, mưa lớn giảm dần ở các tỉnh miền Trung. Ngoài ra, ngày và đêm 16/10, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và các nơi khác ở Nam Trung Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 100mm. Thời gian mưa dông tập trung vào chiều và đêm.

(bài) Lũ chồng lũ : Tình hình diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung 2
Nước lũ chưa rút hết tại xóm Đảo, thôn Thủ Lễ 2 (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế)

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho rằng, đợt mưa này là "hình thế kinh điển của mùa mưa ở khu vực miền Trung". Nguyên nhân là tác động của không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới cùng gió đông di chuyển từ phía đông vào. Gió đông phát triển từ 1.500 - 5.000 m, đưa lượng ẩm rất lớn từ Biển Đông vào, cùng với đó, gió đông bắc đẩy lượng ẩm đó lên cao gây ra đối lưu mạnh ở khu vực miền Trung tạo ra mưa lớn.

Trước tình hình trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục triển khai Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền Trung; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, để chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Cùng với đó, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp và mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.