Xã biên giới Tổng Cọt, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) trước đây được coi là vùng đất khó của khó. Thế nhưng giờ đây, cuộc sống của người dân đang ngày càng sung túc. Già làng Nông Thị Vang, đã ngoài 70 tuổi kể, cách đây hơn 20 năm về trước, cuộc sống của người dân nơi đây vất vả lắm. Lúc ấy già Vang đã ngoài 50 tuổi, nhưng vẫn phải đi nửa ngày đường gùi từng can nước trong các vách đá về sinh hoạt. Đến khoảng đầu những năm 2000, người dân đỡ vất vả hơn, khi được Nhà nước đầu tư xây dựng các bể chứa nước. Thế nhưng, do thiên nhiên khắc nghiệt nên cái đói, cái nghèo đâu có chịu buông tha người dân Lục khu. Bà con phải trông chờ trời mưa nắng mà gieo trồng cây cối. Năm được mùa còn đỡ, năm mất mùa thì dân bản đành đắp đổi qua ngày.
Năm 2006, cán bộ về tuyên truyền người dân chuyển đổi cây ngô sang trồng lạc, không chỉ 1 vụ Đông - Xuân mà cả vụ Hè - Thu. Già Vang cho hay, thú thật khi ấy cũng hoang mang lắm, vì đã qua 60 mùa ngô rồi mà già có thấy ai trồng lạc vào mùa Hè bao giờ đâu. Thế nhưng, nghe theo cán bộ, già cũng mạnh dạn chuyển từ 1 sào, 2 sào rồi thấy hiệu quả, gia đình đã chuyển toàn bộ gần 1ha sang trồng lạc. Thu nhập mỗi vụ cũng gần 30 triệu đồng. Gia đình vì thế mà có của ăn của để.
Chia sẻ về cái duyên của cây lạc với đất Lục khu, bà Nông Thị Bắc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hà Quảng cho biết, từ năm 2006, cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo Phòng thử nghiệm giống lạc L14 trên vùng đất đỏ Lục khu. Do giống lạc được trồng trái vụ vào mùa Hè nên ban đầu người dân còn e dè. Thế nhưng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, cán bộ địa phương tiên phong đem đất ruộng của gia đình mình trồng thử nghiệm nên cây lạc L14 nhanh chóng trở thành cây chủ lực của địa phương.
Bà Bắc phấn khởi thông tin, đến nay, 12 xã vùng Lục khu đã trồng trên 550ha giống lạc L14, sản lượng khoảng 900 tấn, giá trị thu nhập trung bình 30 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trồng từ 0,8 - 1ha, như hộ anh Trương Văn Khuầy (xóm Nặm Giạt, xã Thượng Thôn); hộ anh La Văn Thằn (xóm Thin Tẳng, xã Mã Ba)...
Điều đáng nói là, người dân Lục khu không chỉ chú trọng vào việc phát triển diện tích và sản lượng lạc, mà họ còn biết vận dụng vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Trong đó, hai hướng chính là sản xuất lạc giống L14 cung cấp cho thị trường miền núi phía Bắc và chế biến sau thu hoạch. Theo đó, đến nay người dân trong vùng Lục khu đã trồng được gần 300ha lạc giống L14, cung cấp cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời, trên địa bàn còn có nhà máy sấy chế biến hạt giống và nông sản Lục khu được xây dựng tại xã Thượng Thôn - xã trung tâm vùng Lục khu. Nhà máy này đã trở thành trung tâm chế biến lạc cho người dân trước khi bán đi khác nơi.
Có thể thấy, việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn và tận dụng thời điểm trái vụ, đã tạo ra những thế mạnh riêng cho cây lạc của Lục khu. Hơn nữa, việc đầu tư vào chế biến cũng giúp cho cây lạc nơi đây phát triển bền vững. Đây thực sự là mô hình hay để các địa phương vùng DTTS và miền núi tham khảo, học hỏi và áp dụng.