Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mùa chép đỏ ở Thủy Trầm

Chí Tín - Vũ Mừng - 14:54, 31/01/2024

Nằm nép mình bên dòng sông Thao hiền hòa, từ lâu thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã nổi danh với nghề nuôi cá chép đỏ, cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Ghé thăm Thủy Trầm vào những ngày này, được cùng người dân địa phương thu hoạch những vuông cá đầu tiên, mới cảm nhận hết được không khí của Tết Giáp Thìn đã cận kề.

Người nuôi cá chép đỏ tại Thuỷ Trầm tất bật thu hoạch cá phục vụ nhu cầu thị trường những ngày cuối năm
Người nuôi cá chép đỏ tại Thuỷ Trầm tất bật thu hoạch cá phục vụ nhu cầu thị trường những ngày cuối năm

Từ niềm tin tâm linh

Theo quan niệm dân gian của người dân Việt Nam cứ vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, tất thảy mọi gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, báo cáo tình hình gia đình trong năm qua với Ngọc Hoàng. Để thực hiện nghi thức thiêng liêng ấy thì cá chép, “phương tiện” di chuyển của các vị thần bếp là một lễ vật vô cùng quan trọng và không thể thiếu.

Nói về nguồn gốc của giống cá này, ông Bùi Đình Chữ - Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm chia sẻ: “Từ những năm 60 của thế kỷ XX, Thủy Trầm đã có nghề ương, nuôi cá giống từ cá bột, vớt ở sông Hồng vào mùa lũ. Khi chúng lớn lên bà con Thủy Trầm thấy lẫn loài cá lạ, tuy thuộc giống cá chép nhưng toàn thân có màu đỏ cực kỳ bắt mắt. Họ chọn những con cá này nuôi thành cá bố mẹ để nhân giống làm cảnh, dành tặng bạn quý và nuôi để phóng sinh.

Dần dà con cá “linh” của làng được nhiều người biết đến, trở thành sản phẩm đặc hữu, là phương tiện không thể thiếu để các Táo về trời trong ngày lễ cuối năm. Lúc đầu chỉ có một vài hộ làm thử, rồi hàng chục, hàng trăm gia đình cùng làm. Từ đây, nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm "lên ngôi" cùng với sự phát triển nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh vật cảnh của không chỉ người dân địa phương mà còn ở rất nhiều tỉnh, thành phía Bắc”.

Những ngày này, cá chép đỏ tại Thuỷ Trầm đã sẵn sàng toả đi khắp các tỉnh thành miền Bắc
Những ngày này, cá chép đỏ tại Thủy Trầm đã sẵn sàng tỏa đi khắp các tỉnh thành miền Bắc

Để có được những lứa cá đẹp nhất phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết ông Công ông Táo, ngay từ tháng 6 người Thủy Trầm phải tiến hành vệ sinh ao và chuẩn bị con giống. Do là loài phàm ăn nên cá chép đỏ rất dễ nuôi, người dân hoàn toàn có thể tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên như bèo hoa dâu, các loại rau củ quả, kết hợp cùng cám công nghiệp. Người Thủy Trầm kể, sợ cá lớn nhanh nên mỗi ngày chỉ dám cho ăn một bữa, cứ thấy bóng người trên bờ là cả đàn lại thi nhau kéo tới, nhảy rào rào lên mặt nước. Một ao nuôi nhỏ chừng 50m2 cũng phải có tới gần một vạn con.

Suốt một tuần lễ trước ngày cúng ông Công ông Táo, Thủy Trầm bỗng chốc trở thành một khu chợ lớn, đông vui, tấp nập, nhộn nhịp người xe qua lại. Người mua cá phần lớn là thương lái đến từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Bình... và nhiều nhất là Hà Nội. Những chợ cá này được họp từ con dốc dẫn ra Quốc lộ 32C, trải dài vào tận hai bên đường làng và trên những bờ đê bao của mỗi ao nuôi. Đâu đâu cũng thấy một màu đỏ rực của cá, màu xanh ngọc của nước cùng tiếng cười nói rộn rã của người dân khua lưới, quăng chài.

Nghề nuôi cá mang lại thu nhập bình quân của các hộ tại Thuỷ Trầm 25 triệu đồng/người/năm
Nghề nuôi cá mang lại thu nhập bình quân của các hộ tại Thủy Trầm 25 triệu đồng/người/năm

Đến nghề có thu nhập cao

Gắn bó với nghề nuôi cá chép đỏ đã hơn 30 năm, ông Lê Văn Niệm, người dân sinh sống tại Khu 3 thôn Thủy Trầm hồ hởi: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo...”. Quả thực nhìn những ngôi biệt thự khang trang, những con đường bê tông trải dài tít tắp của làng Thủy Trầm mới thấy được niềm tin và hiệu quả của người dân đối với nghề nuôi cá.

Theo thống kê của UBND xã Tuy Lộc, thôn Thủy Trầm có 370 hộ thì có tới 353 hộ nuôi cá chép đỏ với tổng diện tích ao hồ hơn 30ha, tạo việc làm cho hơn 1200 lao động với mức thu nhập cao. Liên tục từ năm 2016 tới nay, doanh thu từ cá chép đỏ liên tục đạt trên 70 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các hộ trong làng là 25 triệu đồng/người/năm. Ước tính trong mùa Tết năm nay, Thủy Trầm sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn cá chép đỏ. Những năm gần đây làng nghề đã được đầu tư kiên cố hóa đường sá, kênh mương, hồ ao; Các tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng vào ương nuôi, chọn lọc, vận chuyển nhằm tăng thêm hiệu quả sản xuất cho người dân.

Cá chép đỏ Thủy Trầm luôn nức tiếng gần xa bởi vẻ đẹp và khả năng sinh tồn mạnh mẽ, được các thương lái ưa chuộng
Cá chép đỏ Thủy Trầm luôn nức tiếng gần xa bởi vẻ đẹp và khả năng sinh tồn mạnh mẽ, được các thương lái ưa chuộng

Tuy nhiên, muốn cá thật khỏe để có thể tỏa đi khắp các tỉnh thành, thì từ 15 Âm lịch các hộ nuôi đã phải đánh bắt, đưa cá vào trong những bể nước nhỏ và “đành” phải cho cá nhịn ăn. Có như thế thì hệ tiêu hóa của cá mới đảm bảo để có thể vượt chặng đường hàng trăm km đến với mỗi gia đình. Điều này đã được đúc rút từ kinh nghiệm nuôi cá hàng chục năm của người dân nơi đây, không phải địa phương nào cũng hiểu và áp dụng. Thế nên cá chép đỏ Thủy Trầm luôn nức tiếng gần xa bởi vẻ đẹp và khả năng sinh tồn mạnh mẽ, được các thương lái ưa chuộng.

Bước vào vụ cá Tết Nhâm Thìn, nhiều người dân địa phương vui mừng chia sẻ, một kg cá chép đỏ tại ao hiện đang có giá từ 120.000 đồng/kg. So với mùa Tết năm ngoái thì giá cá chép đỏ năm nay đã tăng gần gấp đôi khiến người nuôi được mùa, vô cùng phấn khởi, tạo đà cho nghề nuôi cá chép đỏ nơi đây tiếp tục phát triển và đóng góp một phần không nhỏ vào việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.