Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mù Là - Nơi gặp gỡ của tình người

PV - 11:26, 06/03/2019

Vào những ngày 13-14 tháng Giêng hàng năm, tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, “mọi con đường đều hướng lên Mù Là”. Nơi đây, giữa Lễ hội Mù Là bạt ngàn hoa tam giác mạch là những cô gái Mông váy xòe hoa nảy nhịp, những chàng trai Mông cánh tay chắc săn cắp khèn theo bước, những pao, những yến được dịp rời tay mà tỏ bày thương nhớ....

Chúng tôi tìm đến ông Hoàng Kim Hồng, nguyên Bí thư Huyện ủy Pác Nặm-tại thôn Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn. Ngôi nhà khang trang của ông ẩn mình trong một hẻm nhỏ, lặng lẽ như chủ nhân của nó.

Trước đó, tôi tình cờ gặp ông tại Công ty Cổ phần In Bắc Kạn khi ông mang tập bản thảo “Sự tích Mù Là” đến đặt vấn đề in. Ông bảo, bà con đồng bào Mông và nhiều cán bộ rất muốn biết về sự tích Mù Là, gặp ông lần nào cũng hỏi chuyện, tuy nhiên, ông không thể ngồi kể cho từng người được. Do đó ông quyết định đem những gì ông đã sưu tầm ghi chép được từ các cụ cao niên xâu chuỗi và viết lại thành một câu chuyện đem in thành những quyển nhỏ như quyển lịch cầm tay để Hội Xuân Mù Là năm nay sẽ phát cho đồng bào Mông tại đó. Ông cũng là người đã dành cả tuổi thanh xuân để tìm hiểu và khởi xướng việc khôi phục, phát triển Lễ hội Mù Là thành một Hội Xuân lớn của huyện, của tỉnh như hiện nay.

Một góc hội Xuân Mù Là - Ảnh Văn Lạ Một góc hội Xuân Mù Là - Ảnh Văn Lạ

Rót chén rượu mời khách, ông Hồng bắt đầu câu chuyện của mình bằng những hồi tưởng liền mạch từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ông bảo, ngày ông mới khoảng 9-10 tuổi, khi gia đình ông còn ở Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), ông chỉ nghe nói đến địa danh Mù Là thuộc huyện Chợ Rã (tỉnh Bắc Thái cũ). Năm 1980, gia đình ông chuyển về huyện Chợ Rã. Năm 1982, khi lên công tác tại các xã phía Bắc của huyện Chợ Rã, ông đã có điều kiện để tìm hiểu kỹ hơn về phát nguyên tên gọi của địa danh này. Đặc biệt là được mắt thấy, tai nghe, được trực tiếp leo lên tận đỉnh Mù Là để cảm nhận sự trong lành, mát mẻ của khí hậu nơi đây.

Ông còn nhớ rất rõ lần đầu tiên có mặt trên đỉnh Mù Là, khi đó ông đang công tác trong ngành Công an, ông cùng người bạn đồng niên là Hoàng Văn Linh (dân tộc Mông, công tác tại Trại giam Vè ở xã Mỹ Phương) lần theo những lối mòn nhỏ bốn bề cỏ cây um tùm, rậm rạp từ Nặm Nhì vượt núi qua Nà Pùng của bản người Nùng mà tìm đến. Khi lên tới nơi đúng vào ngày mồng 5 Tết, cũng là thời điểm bà con đang vui xuân. Giữa những triền non bạt ngàn hoa cỏ, trong lãng đãng sương mờ là những chàng trai, cô gái Mông ném pao, đánh yến, đốt lửa múa khèn và hát dân ca tình tứ mê đắm. Được trực tiếp tham dự Lễ hội Mù Là mới cảm nhận được cái chất văn hóa sâu sắc của dân tộc mình và cũng được trải nghiệm một Mù Là nên thơ.

Mù Là trải rộng từ khu vực phía Tây xã Cổ Linh của tỉnh Bắc Kạn sang phía Đông xã Hồng Thái của tỉnh Tuyên Quang, do đó, ngày hội là dịp để đồng bào Mông ở hai vùng gặp gỡ, chia sẻ về cuộc sống, mùa màng và tỏ bày tình cảm, quấn quýt yêu thương, nhớ nhung qua những yến, những pao, qua tiếng sáo, tiếng khèn và những câu hát dân ca Mông ngọt ngào tình tứ. Ấn tượng đó đã thôi thúc ông tìm hiểu về vùng địa danh đặc biệt này. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại tìm đến những cụ cao niên ở các vùng lân cận hỏi chuyện rồi tỉ mẩn ghi chép kỹ lưỡng. Những tư liệu có được ấy ông gìn giữ như một thứ bảo vật bất ly thân.

Chuyện kể rằng, gia đình nọ có hai anh em, người anh có một người con trai đến tuổi lấy vợ, người em có cô con gái đang độ gả chồng. Anh trai bắt cô em gái phải gả con gái cho con trai mình. Do lấy nhau không xuất phát từ tình yêu, người chồng không thích vợ mình nên thường xuyên đánh đập, hắt hủi và ghét bỏ. Không có lối thoát, người vợ trẻ bất hạnh đã phải tìm đến cây lá ngón trên đỉnh Mù Là để kết thúc cuộc đời. Câu chuyện là sự nhắc nhớ về hôn nhân và việc ứng xử trong gia đình của người Mông và mang tính giáo dục rất cao. Mù Là theo chiết tự tiếng Mông có nghĩa là nơi mát mẻ, ông Hồng cho biết.

Hội Xuân Mù Là là điểm hẹn của đồng bào các dân tộc khi mùa xuân về. Hội Xuân Mù Là là điểm hẹn của đồng bào các dân tộc khi mùa xuân về.

Năm 2010, ông về làm Bí thư Huyện ủy huyện Pác Nặm, ông kể, những lần lên bản, bà con đều tỏ bày mong muốn với ông về việc tổ chức một lễ hội quy mô, bài bản và ôn lại sự tích địa danh Mù Là. Lần nào lên, bà con cũng nhắc. Đến năm 2013, ông quyết định phải khôi phục lễ hội này. Sau nhiều lần Ban Chấp hành, Ban Thường vụ huyện họp bàn, đến ngày 3/2/2014, Lễ hội Mù Là chính thức được tổ chức. Vào ngày chính hội, đồng bào Mông, Tày, Nùng, Dao khắp nơi ùn ùn kéo về. Ai cũng vui mừng, xuýt xoa: Hội Mù Là đông vui chưa từng có từ trước đến nay.

Đến năm 2016, huyện Pác Nặm chính thức đầu từ cơ sở vật chất, chương trình lễ hội được xây dựng một cách bài bản hơn. Hội Mù Là đã trở thành ngày hội chung của các dân tộc anh em tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang cũng như du khách thập phương. Những triền cỏ may đã được phủ lên bằng hoa tam giác mạch, bằng cúc bướm, sao nhái và cải vàng. “Mù Là không chỉ trở thành nơi gặp gỡ của đất trời, của tình người mà còn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa tại địa phương”, ông Hoàng Kim Hồng không dấu nổi niềm vui khi nhắc đến lễ hội này.

Tuy nhiên ông bảo, đa phần người ta đến Mù Là để vui Xuân chứ chưa mấy ai thực biết về sự tích của địa danh này. Với việc in ấn để giới thiệu về Mù Là của ông hiện nay, ông hy vọng đảng bộ, chính quyền địa phương cùng các sở, ban, ngành liên quan chung tay góp sức để quảng bá tốt hơn nữa về Hội Xuân Mù Là và câu chuyện mang tính giáo dục đã làm nên địa danh độc đáo này.n

HOÀNG CHIẾN THẮNG

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.