Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Món ngon từ trứng kiến

Hồng Nguyễn - 17:23, 15/08/2021

Trứng kiến được ưa chuộng không chỉ bởi mùi vị thơm lừng béo ngậy của nó, mà còn được biết đến trong việc bồi bổ cho sức khỏe con người bởi trong trứng kiến có những loại protein tốt giúp phục hồi sinh lực, chữa viêm tai, suy giảm chức năng sinh lý, giải độc trong điều trị rắn cắn.

Công đoạn lấy trứng kiến từ tổ
Công đoạn lấy trứng kiến từ tổ

Lên rừng tìm trứng kiến

Núi rừng Tây Yên Tử (thuộc tỉnh Bắc Giang) là nơi có rất nhiều kỳ hoa dị thảo và phong cảnh thật tuyệt vời. Ở đó với những khu rừng nguyên sinh đa dạng. Chúng tôi được tham gia cùng đồng bào địa phương vùng này vào rừng lấy trứng kiến, một nhóm thường có hai, ba người cùng đi để hỗ trợ nhau. Người trèo lên cây chặt, bẻ cành có tổ kiến, người ở dưới buộc chiếc rá trên đầu con sào chừng 3-4m để hứng trứng khỏi rơi xuống đất, được tổ, mang xuống, bổ một góc, gõ nhẹ để trứng kiến rơi ra... Mỗi tổ kiến cũng thu hoạch được vài lạng trứng kiến.

Những người có kinh nghiệm đi rừng tìm tổ trứng kiến thường chọn những hôm trời nắng, vì khi hạ tổ kiến xuống gặp nắng to, kiến sẽ nhanh chóng tản ra ngoài, khi đó chỉ còn lại những hạt trứng trắng muốt như gạo. Còn nếu gặp hôm trời mưa, kiến cứ nằm lỳ bên trong tổ khó mà lấy trứng ra được. Tổ kiến nào nhìn có màu đen bạc, thớ tổ gờ to, cành cây hơi trĩu, khi chặt cành nâng lên thấy nặng tay thì trứng kiến rất mẩy. Còn tổ nào trông đen xì, xốp… thì khỏi mất công chặt đốn, vì trứng kiến đã thành con.

Về nhà, trứng kiến sẽ được mang ra sàng sẩy sạch sẽ, loại bỏ tạp chất, lá cây và những con kiến già lẫn trong đó, công đoạn này phải thật nhẹ nhàng, khéo léo để những hạt trứng không bị vỡ dập. Đối với những con kiến già cứng cổ không chịu đi chỗ khác thì phải dùng cành cây mua quệt đi quệt lại để chúng dính vào lá hoặc xua đuổi chúng. Thế rồi, từng hạt trứng căng mọng, trắng muốt như hạt gạo được đôi bàn tay khéo léo của đồng bào chế biến thành nhiều món ăn độc đáo.

Đặc sản ẩm thực trứng kiến

Mâm cơm có trứng kiến gói với lá sau sau sau
Mâm cơm có trứng kiến gói với lá sau sau sau

Những phụ nữ dân tộc Tày, Nùng là thành viên tham gia tổ ẩm thực của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch cộng đồng Khe Rỗ, xã An Lạc huyện Sơn Động kể, mỗi khi có khách yêu cầu nấu các món ăn, nhất là những món truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc trong vùng là các cô sẵn sàng phục vụ. Trong đó các món ăn làm từ trứng kiến đã chinh phục được nhiều thực khách khó tính khi đến nơi đây. Đặc biệt, vào ngày Tết Hàn thực mùng 3- 3 (âm lịch), các món ăn được chế biến từ trứng kiến không thể thiếu của đồng bào dân tộc vùng cao.

Món trứng kiến thường được sử dụng bằng nhiều cách nhưng chủ yếu là 3 món: Trứng kiến sống, món chả trứng kiến, món xôi trứng kiến.

Với món trứng kiến sống chỉ cần lấy lá non của cây ngoã, lá lốt rửa sạch đem gói trứng kiến ăn kèm muối ớt.

Món chả trứng kiến theo cách chế biến của bà Hoàng Thị Hợp ở xã An Lạc thì vẫn là lá ngoã, lá lốt non gói trứng kiến đem nướng hoặc chiên với mỡ, dầu ăn. Món chả trứng kiến có vị thơm, béo ngầy ngậy của trứng cùng với chất chát, chua của lá ngoã, mùi thơm của lá lốt tạo nên mùi vị đặc trưng, hấp dẫn vị giác thực khách.

Trong nhiều món ăn được chế biến từ trứng kiến thì xôi trứng kiến là phổ biến nhất. Đặc biệt, đối với xôi trứng kiến, đồng bào dân tộc ở Sơn Động thường chọn gạo nếp nương vo sạch, đem ngâm trong nước ấm chừng 4-5 giờ, vớt ra để gạo ráo nước rồi cho vào chõ đồ chín. Trứng kiến sau khi đã làm sạch, để ráo nước, phi thơm hành rồi cho trứng kiến vào xào, khi thấy dậy mùi béo ngậy của trứng kiến và mùi thơm của hành là được.

Xôi trứng kiến được đồng bào trang trí đẹp mắt
Xôi trứng kiến được đồng bào trang trí đẹp mắt

Xôi chín tới, xới tơi trộn đều với trứng kiến rồi cho ra đĩa, thưởng thức nóng sẽ cảm nhận được vị thơm đậm đà, quyễn rũ của lúa nếp nương, vị ngọt, bùi và ngậy của trứng kiến. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới cảm nhận được cái thú vị của món ăn này. Bất kỳ ai dù một lần được thưởng thức xôi trứng kiến sẽ còn nhớ mãi.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.