Giàu lên từ quế
Ở xã Trà Don, Trà Vinh, huyện Nam Trà My, từ nhiều năm qua, người dân địa phương đã chuyển đổi từ trồng keo sang trồng quế xen canh cây sắn, với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi ha/năm từ bán hạt quế.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Giang xác định phải chuyển sang trồng loại cây có giá trị cao hơn, trồng rừng gỗ lớn. Tỉnh giao huyện một năm trồng 800 ha, hiện đã trồng được khoảng 400 ha, chủ yếu là cây quế. Huyện định hướng cho các hộ dân trồng cây quế, vì quế hiệu quả cao hơn, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Ông Đinh Văn BảoPhó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang
Như gia đình chị Hồ Thị Kim, ngụ thôn 3, xã Trà Don đã thực hiện phủ xanh đất trống bằng cây quế Trà My - loại cây dược liệu đang được chính quyền địa phương vận động nhân rộng. Đồng thời, chị đứng ra thu gom quế, rau rừng, măng, đót,... từ người dân địa phương rồi bán cho thương lái dưới huyện.
“Lợi nhuận từ nuôi trồng, kinh doanh, tôi tiếp tục đầu tư trồng quế. Đến nay, gia đình có 10.000 gốc quế, là sinh kế lâu dài của gia đình, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương” - chị Kim chia sẻ.
Ở huyện Đông Giang, sau khi thu hoạch gần 1ha quế, thu về cả trăm triệu đồng, vụ này, gia đình anh A Lăng Min, thôn B’hồng, xã Sông Kôn quyết định mở rộng diện tích trồng quế với hy vọng cây quế sẽ giúp anh có cuộc sống khá giả hơn.
Anh A Lăng Min chia sẻ: “Ở thôn B’hồng, hầu như nhà nào cũng trồng quế, nhà ít thì 1ha, còn hộ nhiều cũng vài ha. Vụ trước, gia đình tôi đã trồng hơn 1ha và đã bán với giá hơn 80 triệu đồng. Năm nay, tôi tiếp tục trồng hơn 1.400 cây vì nhận thấy cây quế có tiềm năng phát triển kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác”.
Theo ông Đinh Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, địa phương có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ trồng cây nguyên liệu, cụ thể là cây keo sang trồng rừng gỗ lớn. Ngoài các loại cây như dổi, lim xanh, huỳnh đàn… thì quế được xem là một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện, địa phương đã trồng được khoảng 500ha quế.
“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Giang xác định phải chuyển sang trồng loại cây có giá trị cao hơn, trồng rừng gỗ lớn. Tỉnh giao huyện một năm trồng 800ha, hiện đã trồng được khoảng 400ha, chủ yếu là cây quế. Huyện định hướng cho các hộ dân trồng cây quế, vì quế hiệu quả cao hơn, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững” - ông Đinh Văn Bảo cho biết thêm.
Góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 3, Chương trình MTQG 1719
Tại huyện Bắc Trà My, năm 2021, HTX Quế Trà My - Minh Phúc đã đầu tư hệ thống chiết tách tinh dầu quế với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
“Để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững, HTX đã liên kết với 2 nhóm 26 hộ ở hai xã Trà Giác, Trà Giáp với tổng diện tích quế hơn 56ha. Đồng thời, HTX đã nghiên cứu, cho ra đời thêm 20 sản phẩm khác như bột quế, dầu xoa, dung dịch sát khuẩn, dung dịch xịt phòng, quế vỏ, xà phòng quế” - bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc HTX Quế Trà My - Minh Phúc cho biết.
Cũng chú trọng đầu tư chế biến sâu, HTX Thái Hoà, xã Trà Tân đã nghiên cứu và sản xuất đèn tinh dầu quế và đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh; HTX nông lâm nghiệp Ngọc Quế, xã Trà Giáp nghiên cứu và sản xuất ra sản phẩm đĩa gỗ quế. Nhiều HTX, người dân địa phương còn sản xuất ra nhang quế, đũa quế, trà quế túi lọc, nước rửa tay, nước lau sàn từ quế và đều được huyện hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, kết nối với doanh nghiệp để mở rộng đầu ra, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Không chỉ là sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, cây quế còn gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao. Đặc biệt, vườn quế còn được coi như một tài sản lớn trong gia đình của đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Nam. Ngoài bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở các vùng đất đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý giống cây bản địa, việc trồng và chế biến quế đã đưa cây trồng này thành cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao và giúp người dân định canh định cư, giảm nghèo, tạo việc làm và thu nhập ổn định
Chỉ tính riêng những hộ trồng quế nguyên liệu, với giá bán trung bình khoảng 60.000-70.000 đồng/kg, mỗi ha quế, người dân có thể thu về 1 - 1,2 tỷ đồng. Lợi ích của cây quế so với cây trồng khác là ngoài thu hoạch từ vỏ quế, người dân tận dụng được cả thân, lá để bán cho các đơn vị chế biến.
Có thể khẳng định, cây quế đang trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực cho phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp bà con vùng cao Quảng Nam xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 2030.
Ở Quảng Nam, ngoài hai vùng trồng quế trọng điểm là Nam Trà My, Bắc Trà My, hiện cây quế đã được trồng ở hầu khắp các huyện miền núi của tỉnh với tổng diện tích khoảng 12.600ha quế. Nhằm nâng cao hiệu quả mở rộng diện tích trồng quế Trà My, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ cho các địa phương hằng tỷ đồng để triển khai kế hoạch bảo tồn và phát triển giống cây quế Trà My.