Những điểm sáng ở miền sơn cước
Nằm ở chính giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc, những năm gần đây, Lào Cai là một trong những điểm sáng trong thu hút vốn FDI của vùng Trung Du và miền núi phía Bắc. Dù trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn không có dự án FDI cấp mới, nhưng toàn tỉnh hiện vẫn có 27 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 685,818 triệu USD; trong đó có điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 1 dự án với tổng vốn tăng 72,1 triệu USD.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Lào Cai cho thấy, trong 27 dự án FDI còn hiệu lực có 10 dự án FDI Trung Quốc; 9 dự án FDI của Singapore; 3 dự án FDI của Hàn Quốc; 2 dự án FDI của Thái Lan; 3 dự án FDI của các cá nhân, tổ chức đến từ Đan Mạch, Na Uy, Anh, Mỹ. Tổng vốn đầu tư thực hiện giải ngân của các dự án FDI 9 tháng đầu năm đạt 12,9 triệu USD, bằng 72,47% so cùng kỳ; tổng doanh thu đạt 91,06 triệu USD, bằng 47,68% so cùng kỳ; tổng giá trị xuất khẩu đạt 0,39 triệu USD; tổng giá trị nhập khẩu đạt 0,5 triệu USD.
Theo ông Phan Trung Bá - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Lào Cai, xác định là tỉnh miền núi, điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn... nhiều năm qua, tỉnh đã nỗ lực không ngừng trong thu hút đầu tư cho phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh. Với những kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vốn huy động ngoài ngân sách của tỉnh đã tăng dần trong tỷ trọng tổng vốn đầu tư xã hội hàng năm.
Chỉ tính giai đoạn 2016 - 2020, bình quân 1 đồng vốn ngân sách nhà nước sẽ thu hút được 5 đồng vốn ngoài ngân sách nhà nước; qua đó tỷ trọng vốn nhà nước giảm từ 27% năm 2016, còn khoảng 19% năm 2020 trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh.
Ở vị trí đị lý thuận lợi hơn, Thái Nguyên là một trong những cực tăng trưởng của vùng Trung Du và miền núi phía Bắc. Trong 8 tháng năm 2022, Thái Nguyên lọt vào top 10 địa phương trên cả nước có kết quả thu hút FDI tốt nhất. Từ đầu năm 2022 đến nay, tổng vốn đầu tư FDI vào Thái Nguyên đạt 1,02 tỉ USD, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành. Lũy kế đến nay, có 198 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10 tỷ USD đã “rót” vào địa phương này.
Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Linh, cho biết, hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh vẫn thu hút gần 50 dự án FDI. Đặc biệt đầu năm 2022 thu hút số vốn rất lớn từ Samsung, nâng tổng số vốn FDI đầu tư trên địa bàn lên đến hàng chục tỷ USD. Nguồn vốn này thật sự là động lực để tỉnh phát triển KT-XH.
Theo Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước 8 tháng đầu năm 2022 của Bộ KH&ĐT (tính đến 20/8), tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước thì vùng Trung du và miền núi phía Bắc xếp thứ 3, chỉ sau Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Thái Nguyên là địa phương hút vốn FDI nhất trong vùng Trung Du và miền núi phía Bắc.
Nhiều dư địa
Cùng với nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, thì những thành quả trong thu hút đầu tư, trong đó có vốn FDI, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương miền núi. Đơn cử như Lào Cai, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách, đã góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng GDP luôn đạt ở mức cao, bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 10%. Đồng thời, các dự án FDI cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho 2.941 lao động trên địa bàn tỉnh (tăng gần 17% so với cùng kỳ 2021); lương bình quân của người lao động trong các dự án FDI của tỉnh đạt 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Theo dự báo, giai đoạn tới, các tỉnh miền núi sẽ là địa chỉ “hút” dòng vốn FDI lớn. Bởi bên cạnh những tiềm năng, lợi thế đặc thù thì Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách để thu hút vốn FDI cho địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS. Đây là sự bù đắp cần thiết cho những hạn chế do hạ tầng giao thông cách trở, điều kiện sở KT-XH còn nhiều khó khăn của địa bàn này.
Cùng với Nghị quyết số 50-NQ/TW, các vùng kinh tế trọng điểm có đông đồng bào DTTS sinh sống dang có cơ hội thu hút đầu tư từ các nghị quyết phát triển vùng của Bộ Chính trị khóa XIII. Với vùng Trung du và miền núi phía Bắc là Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022; vùng đồng bằng sông Cửu Long là Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022; Tây Nguyên là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022.
Đáng chú ý là Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng, đưa Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ thu hút đầu tư sang hợp tác đầu tư, thay vì hiểu hạn hẹp như trước đây là thu hút và sử dụng. FDI đã trở thành bộ phận cấu thành, một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (từ năm 1991), vị thế của đất nước có nhiều thay đổi. Việt Nam có nhiều cơ hội để lựa chọn và đã đến thời điểm Việt Nam cần ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp, những dự án phù hợp với trình độ, chiến lược phát triển về mặt khoa học, công nghệ…
Vì vậy, Nghị quyết số 50-NQ/TW dùng từ “hợp tác” chứ không phải là “thu hút và sử dụng” nguồn vốn FDI. Chữ “hợp tác” ở đây đã thể hiện sự bình đẳng và chủ động của Việt Nam trong làm việc với các đối tác nước ngoài và đề cao hơn nữa trách nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ hoạt động ở Việt Nam.
Đặc biệt, Nghị quyết 50-NQ/TW nêu rõ, xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển. Nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Ts. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Viện nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), Chủ tịch Hội đồng biên soạn Báo cáo thường niên FDI 2021, hiện trình độ phát triển giữa các địa phương trong cả nước còn khác nhau, nên cần thu hút FDI cân đối, hợp lý giữa các vùng miền phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH. Theo đó, với những địa phương có kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại và nguồn nhân lực có chất lượng, thì tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, dự án nghiên cứu phát triển, dịch vụ hiện đại.
“Những địa phương có điều kiện KT-XH còn khó khăn thì tiếp tục các dự án FDI vào những ngành thâm dụng lao động, nhưng phải bảo đảm các điều kiện về công nghệ, môi trường, tiết kiệm năng lượng", Ts. Thắng chia sẻ.
Khuyến nghị của nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài là rất hợp lý. Bởi thực tế, sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (từ năm 1991 đến nay), các dự án FDI chủ yếu phân bổ ở những vùng có thuận lợi về hạ tầng, ví dụ như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, các vùng khác còn hạn chế. Nếu tiếp tục thu hút đầu tư FDI vào các vùng đã quá tải về hạ tầng sẽ dẫn đến hệ lụy lớn.
Hiện nay, qua khảo sát của Bộ KH&ĐT, một số địa phương như Đồng Nai có sức ép hạ tầng rất cao, với gần 40 khu công nghiệp, lượng lao động di cư đến rất đông, chỗ ở, nhà trẻ, cũng như các hạ tầng thiết yếu khác sẽ rất khó khăn và đây không thể là vấn đề giải quyết trong một sớm một chiều. Do vậy, sự phân bổ hợp lý về đầu tư nước ngoài là rất cần thiết.